Theo nghiên cứu được công bố hôm 16/9 trên Tạp chí Exposure Science & Environmental Epidemiology, 79 loại hóa chất chế biến thực phẩm được tìm thấy trong cơ thể có thể gây ung thư, đột biến gen, các vấn đề về nội tiết và sinh sản, cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Tác giả nghiên cứu cấp cao Jane Muncke, Giám đốc điều hành và giám đốc khoa học tại Diễn đàn Bao bì Thực phẩm, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ cho biết, nhiều loại hóa chất khác có thể gây hại theo những cách mà khoa học vẫn chưa biết.
Những chất đó luôn có trong nhựa, trong lớp phủ lon và bao bì, trong mực in... Chúng có thể không có chức năng kỹ thuật trong quá trình chế biến thực phẩm, nhưng chúng vẫn tồn tại và ngấm vào cơ thể con người.
Bà Muncke chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ đo các hóa chất đã được sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm mà còn đo cả các chất bẩn nữa - các sản phẩm phụ và tạp chất mà chúng tôi gọi là các chất được thêm vào một cách không cố ý”.
Trong khi các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm có thể tuân thủ các quy định hiện hành của chính phủ, nghiên cứu nhấn mạnh rằng những hóa chất này có thể không hoàn toàn an toàn.
“Chúng ta không biết chính xác lượng được sử dụng trong bao bì thực phẩm hoặc các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm khác so với lượng được sử dụng cho mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, hàng dệt may... phải không? Tôi muốn có thông tin đó” - bà nói.
Những hóa chất độc hại tìm thấy trong thực phẩm
Một loại hóa chất mà nghiên cứu phát hiện có trong cả thực phẩm và cơ thể con người là bisphenol A, hay BPA , từng được sử dụng để tạo ra bình sữa, cốc tập uống và hộp đựng sữa bột cho trẻ sơ sinh cho đến khi các bậc phụ huynh sợ hãi tẩy chay những sản phẩm này hơn một thập kỷ trước.
BPA là chất gây rối loạn nội tiết có liên quan đến dị tật thai nhi, trẻ nhẹ cân khi sinh, rối loạn não và hành vi ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
Ở người lớn, hóa chất này có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường, bệnh tim, rối loạn cương dương, ung thư và nguy cơ tử vong sớm cao hơn 49% trong vòng 10 năm.
Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia, bisphenol A có thể ngấm vào thực phẩm từ lớp lót của thực phẩm đóng hộp, đồ dùng bằng polycarbonate, hộp đựng thực phẩm và chai đựng nước.
Nghiên cứu cũng cho thấy, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm có thể chứa các hóa chất gây đột biến gây hại cho DNA, chẳng hạn như kim loại nặng. Có bằng chứng cho thấy, con người tiếp xúc với PFAS - hóa chất vĩnh viễn, từ bao bì thực phẩm rất bền, tích tụ sinh học và gây độc cho các cơ quan trong cơ thể.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia, các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl, hay PFAS, có trong máu của khoảng 98% người Mỹ.
Các hóa chất phá vỡ hormone này đáng lo ngại đến mức vào tháng 7/2022, Viện Hàn lâm đã đặt ra mức độ quan ngại "nanogram" và kêu gọi xét nghiệm những cá nhân có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sơ sinh và người lớn tuổi.
Một nhóm hóa chất khác trong bao bì thực phẩm đã di chuyển vào con người là phthalates, nghiên cứu cho thấy.
Được tìm thấy trong dầu gội, đồ trang điểm, nước hoa và đồ chơi trẻ em cũng như hộp đựng thực phẩm, phthalates có liên quan đến dị tật bộ phận sinh dục và tinh hoàn ẩn ở bé trai và làm giảm số lượng tinh trùng, mức testosterone ở nam giới trưởng thành.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa phthalate với bệnh béo phì ở trẻ em, bệnh hen suyễn, các vấn đề về tim mạch, ung thư và tử vong sớm ở những người từ 55 đến 64 tuổi.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã so sánh 14.000 hóa chất được biết là tiếp xúc với thực phẩm trong quá trình đóng gói với các cơ sở dữ liệu trên toàn thế giới theo dõi mức độ phơi nhiễm của con người với các chất độc hóa học tiềm ẩn.
Trong số 14.000 hóa chất được biết là di chuyển vào thực phẩm trong quá trình chế biến và đóng gói, chỉ có vài trăm hóa chất được đo lường ở người thông qua các chương trình này.