Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khắc phục tình trạng thiếu máy thở bằng giải pháp thông minh

(VOH) - Nỗi lo lắng của các bác sĩ khi tiếp nhận bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc ngưng thở trong lúc khoa không còn máy thở là hiện tượng khá thường gặp ở các bệnh viện tuyến cuối.

Vì nhu cầu này khá cao nên các bệnh viện lớn luôn trong tình trạng thiếu máy thở, nhất là những cao điểm lễ, Tết hay vào mùa dịch bệnh. Vậy nên, để quản lý, sử dụng và điều phối một cách hiệu quả được xem là một yêu cầu về tính cấp thiết.

Tháo gỡ bài toán khó này, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đưa ra sáng kiến “Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện”. Đây cũng là giải pháp y tế thông minh trên nền tảng công nghệ thông tin.

* VOH: Thưa ông, xuất phát từ thực tế như thế nào mà bệnh viện cho ra đời sáng kiến này?

Bác sĩ Võ Đức Chiến: Trong việc quản lý bệnh viện ngoài tập trung quản lý chất lượng thì hiện nay chúng tôi hướng đến chủ trương chung của ngành y tế là việc phát triển bệnh viện thông minh. Tuy nhiên, lúng túng của nhà quản lý là việc chúng ta xử lý điều phối trong bệnh viện nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thì nhà quản lý sẽ bị động rất nhiều trong điều phối nguồn lực cho hợp lý.

Điển hình như máy thở, đây là vấn đề thực trạng ở các bệnh viện công, máy thở đang khan hiếm, thiếu. Như vậy mỗi lần bệnh nhân đến trong tình trạng có chỉ định thở máy thì khi tiếp nhận bệnh nhân này chúng ta làm theo cách thủ công, đi liên hệ từng nơi, nơi nào dư máy thì cho mượn. Mỗi bác sĩ trực lãnh đạo hay điều dưỡng trưởng trực trong đêm mong muốn phải làm sao phải có thông tin chính xác.

Về phía bệnh viện, Ban Giám đốc đặt ra yêu cầu bắt buộc theo định hướng bệnh viện thông minh thì việc quản lý phải làm sao hỗ trợ người quản lý được tốt hơn.

Khắc phục tình trạng thiếu máy thở, giải pháp thông minh

Bác sĩ Võ Đức Chiến

* VOH: Ứng dụng này hoạt động dựa trên cơ chế cụ thể ra sao để giúp điều phối hiệu quả  máy thở giữa các khoa, phòng tại bệnh viện thưa ông?

Bác sĩ Võ Đức Chiến: Đối với phần mềm quản lý này chúng tôi gắn định vị mỗi máy thở kết nối vào hệ thống wifi. Như vậy khi máy thở hoạt động, lập tức nó sẽ báo địa chỉ này về giao diện quản lý của bệnh viện.

Người quản lý giao diện ở bất kỳ khoa, phòng nào khi xem qua cũng biết hiện tại ở bệnh viện có bao nhiêu máy đang hoạt động, bao nhiêu máy thở đang sẳn sàng nhưng chưa có bệnh nhân, máy đang ở tình trạng sạc pin hay máy đang trạng thái chưa có người dùng.

Chúng tôi thấy rằng khi có công cụ này chúng tôi biết được chính xác hơn, biết được số giờ sử dụng và khi máy hư ở bộ phận nào, sử dụng bao nhiêu giờ thì có vấn đề. Nghĩa là chúng ta đánh giá được chất lượng, chủng loại máy, công suất sử dụng.

Chúng ta có thể kết nối, tạo nguồn dữ liệu thông tin các bệnh nhân thở máy, tạo ra dữ liệu thông tin chứng cứ khoa học. Nhà quản lý không còn lúng túng như trước và các khoa biết chính xác nguồn máy thở.

* VOH: Như vậy, sáng kiến giúp cho ông như thế nào trong công tác quản lý tại bệnh viện mình?

Bác sĩ Võ Đức Chiến: Trong giai đoạn 4.0 người quản lý cần nhất là giảm đi chi phí, thời gian hành chính để tập trung chuyên môn, tập trung vào từng cá thể người bệnh.

Nếu thực hiện thủ công, khi cần máy thở phải có một người chạy đến từng nơi, gọi từng người, thậm chí khi có thông tin, chưa chắc có tính thực tế. Ví dụ máy của khoa đó không xài để đó nhưng vì bận bịu hay gì đó lại nói hết máy thở.

Qua giải pháp này, tôi thấy ý nghĩa nhất là quản lý hoạt động thực sự hiệu quả trong một tổ chức. Không còn sự can thiệp thủ công.

* VOH: Cảm ơn ông!

Không chỉ dạy chữ, thầy cô còn là chuyên gia dinh dưỡng: Các thầy cô đóng vai trò là “chuyên gia dinh dưỡng” tại mỗi lớp học khi chương trình sữa học đường được triển khai rộng khắp.

 Chuyển giao kỹ thuật điều trị ung thư da: Từ 18/11 đến 21/11, Bệnh viện Da Liễu Thành phố tổ chức khóa đào tạo và chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật Mohs điều trị ung thư da.
Bình luận