Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 khẩn cấp cho 1.000 nhân viên Bệnh viện Mắt TPHCM

(VOH) - Gần 1.000 cán bộ công nhân viên của Bệnh viện Mắt TP.HCM được HCDC hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Từ đêm qua, 10/2 đến sáng nay 11/2, toàn thể nhân viên bệnh viện đang ở TP.HCM đã được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC).

Đến 7h sáng nay đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả nhân viên Bệnh viện Mắt TPHCM. Việc xét nghiệm này được thực hiện do trước đó có một người vào bệnh viện thăm khám, sau đó được xác định dương tính với COVID-19.

Người này là một ca dương tính (liên quan đến nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất). 

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM . Ảnh minh họa HCDC

Trước đó vào chiều ngày 10/2 (29 Tết), tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết thời gian tới, UBND TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo thành phố, kích hoạt toàn bộ hệ thống điều trị; khẩn trương tiến hành công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch khi xuất hiện ca bệnh mới; nâng cao năng lực xét nghiệm và công xuất điều trị; tiến hành tập huấn phát triển lực lượng lấy mẫu; quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở có nguy cơ cao (sân bay, bệnh viện,…); hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người,…

Sẵn sàng triển khai các kế hoạch đã xây dựng trong toàn ngành, TPHCM tăng cường năng lực lấy mẫu và xét nghiệm để tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu khoanh vùng, dập dịch, sàng lọc nhóm nguy cơ; dự trù đầy đủ sinh phẩm, test-kit, đảm bảo năng lực xét nghiệm 30.000-40.000 mẫu/ngày (có thể làm mẫu gộp 5 khi cần); rà soát, củng cố lại các quy trình vận hành hoạt động trong sân bay; hạn chế hoạt động tập trung đông người…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, tình huống xảy ra tại TP HCM tương đối phức tạp. Các trường hợp F1 sau khi đã xét nghiệm âm tính nhưng phát hiện các trường hợp F2 liên quan đến F1 dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR.

Cho nên, việc lây truyền từ F1 âm tính sang F2 - trở thành F0, các lực lượng đã chỉ đạo làm xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 đối với tất cả nhân viên Công ty VIAGS, tối 9/2, đã phát hiện 2/570 xét nghiệm có kháng thể với virus SARS-CoV-2.

Về tình huống F1 âm tính nhưng F2 dương tính, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu giả thiết ban đầu có thể là F1 đã qua thời gian kháng nguyên dương tính, trở sang âm tính; hoặc F1 chính là F0 đầu tiên,…

Các chuyên gia, thành viên Ban Chỉ đạo để nghị TPHCM, ngành y tế phải hết sức chú ý đến cả trường hợp F2 dương tính là F1 của một ổ dịch khác, hoặc tình huống đã có mầm bệnh khá lâu âm ỉ tồn tại trong thành phố. Do đó, TPHCM cần phải tăng cường xét nghiệm rộng trong cộng đồng; xét nghiệm có trọng điểm tại những địa bàn có nhiều người qua lại để đánh giá tình hình.

Bình luận