1. Vì sao phụ nữ giai đoạn mãn kinh dễ bị loãng xương?
Bác sĩ Bay cho biết, tình trạng loãng xương liên quan nhiều đến yếu tố gia đình, vấn đề di truyền và cách sống của mỗi người. Chúng ta biết rằng, bộ xương của chúng ta có 2 loại tế bào luôn luôn hoạt động để duy trì chất lượng xương, đó là tế bào tạo xương và tế bào hủy xương. Trong 30 năm đầu đời, hoạt động tạo xương sẽ diễn ra nhiều hơn nên cấu trúc và tình trạng phát triển xương khớp trong cơ thể sẽ tốt hơn. Từ 30 đến 50 tuổi là lúc cán cân giữa hoạt động tạo xương và hủy xương ở mức cân bằng, hoạt động hủy xương sẽ bắt đầu tăng lên sau 50 tuổi, cán cân này sẽ nghiêng về hoạt động hủy xương.
Phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới, vì sao? (Nguồn: Internet)
Trên thực tế, phụ nữ dễ mắc chứng loãng xương hơn nam giới. Bởi vì, các vấn đề loãng xương có liên quan đến nội tiết tố nữ - estrogen. Estrogen khi được sản xuất đầy đủ từ buồng trứng, nó sẽ giúp ức chế các hoạt động hủy xương và từ đó bộ xương sẽ luôn chắc khỏe. Tuy nhiên, khi phụ nữ bước vào độ tuổi từ 30 trở đi, estrogen mỗi năm nó sẽ giảm 1 – 1.5% và đến 45 hay 50 tuổi thì mức độ estrogen giảm đột ngột nhiều hơn. Và đây là lý do vì sao phụ nữ mãn kinh dễ bị loãng xương hơn nam giới.
Theo bác sĩ Bay, bộ xương của chúng ta bao gồm xương và khớp, hai bộ phận này luôn luôn phải vận động để hút các chất dinh dưỡng để tạo xương như calcium, vitamin D… Do đó, ngoài phụ nữ giai đoạn mãn kinh dễ bị loãng xương thì còn có một số đối tượng sau đây:
- Những người làm việc trong hầm mỏ, thợ rửa ảnh,…không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên xu hướng loãng xương sẽ tăng nhanh hơn.
- Phụ nữ mang thai và nuôi dưỡng con dễ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như canxi, photpho, vitamin,…kết hợp với lượng estrogen ngày càng giảm là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị loãng xương.
2. Phụ nữ bị loãng xương nên nghỉ ngơi hay tập luyện?
Bác sĩ Bay cho biết, biến chứng của loãng xương là gãy xương, chính vì vậy, những người bị chẩn đoán loãng xương thường ít vận động và không tập luyện vì sợ té ngã và dẫn đến gãy xương. Tuy nhiên, theo bác sĩ, những người bị loãng xương vẫn nên tập luyện.
Tất nhiên, những người loãng xương sẽ không tập luyện như người bình thường được mà phải chọn những bộ môn phù hợp và tập ở mức độ vừa phải. Dưới đây là những cách giúp người loãng xương dễ dàng tập luyện và vận động hơn:
- Đi bộ là môn thể dục đơn giản và thích hợp cho những người bị loãng xương, nếu vận động khó khăn, người bệnh có thể sử dụng thêm gậy để phòng tránh trượt chân, té ngã. Tốt nhất nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và nên đi ngoài trời tại các công viên vào mỗi buổi sáng (từ 7 giờ đến 9 giờ sáng) để cơ thể dễ dàng hấp thụ vitamin D.
- Ngoài ra, nếu có điều kiện, người loãng xương cũng có thể đi bơi, nước sẽ nâng đỡ chúng ta hoạt động tốt hơn.
- Tập dưỡng sinh hay nhảy đầm, khiêu vũ…cũng là một trong các bài tập phù hợp cho người cao tuổi, người bị loãng xương.
3. Loãng xương nên ăn gì?
Cách tốt nhất để bổ sung canxi cho cơ thể là từ thức ăn. Ăn những thực phẩm giàu canxi, sau đó tập luyện và phơi nắng buổi sáng thì lượng canxi từ thức ăn sẽ được hấp thu toàn bộ vào cơ thể.
Bác sĩ Bay cho biết, những thực phẩm giàu canxi, photpho tốt cho người bị loãng xương gồm có:
Thực phẩm là nguồn bổ sung canxi tốt nhất (Nguồn: Internet)
- Trứng gà.
- Các loại rau màu xanh đậm.
- Các loại đậu như đậu xanh, đậu nành…
- Các loại hạt như hạt nhân, hạt óc chó,…
- Phô mai.
- Sữa.
- Đậu hũ.
- Các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá chạch,…ăn luôn xương
- Các loại hải sản.
Những loại thực phẩm trên không chỉ giàu canxi, photpho cho xương chắc khỏe mà còn chứa nhiều khoáng chất khác có lợi cho cơ thể. Vì vậy, những người bị loãng xương đừng bỏ qua các loại thực phẩm này.