Loãng xương là một biểu hiện điển hình của quá trình lão hóa cơ thể, thường gặp ở người lớn tuổi. Loãng xương làm xương giòn, mỏng và dễ gãy ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Căn bệnh này còn gây gãy cổ xương đùi và biến chứng tim mạch ở người lớn tuổi, thậm chí là gây tử vong.
Loãng xương được chia làm 3 loại:
Nguyên phát, thứ phát và loãng xương ở người cao tuổi.
Theo thống kế, có tới ½ số phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ bị gãy xương cột sống, xương đùi hoặc xương cổ tay do loãng xương.
Tại Việt Nam, ước tính có gần 3 triệu người mắc bệnh loãng xương, chiếm 3,3% dân số. Trong đó, 170.000 người bị gãy xương do loãng xương. Nghiêm trọng hơn, biến chứng của loãng xương khiến 20% bệnh nhân tử vong và 50% mang thương tật vĩnh viễn.
(Ảnh: Safe Radiotherapy)
Bác sĩ Trần Lệ Linh (Chuyên khoa nội – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Monaco Healthcare) cho biết: “Loãng xương thứ phát xảy ra ở những đối tượng có nguy cơ cao như tiền căn gia đình có ba, mẹ mắc loãng xương hoặc mắc bệnh như viêm khớp dạng thấp, bệnh nội tiết. Đặc biệt những người trẻ ít vận động, hút thuốc lá cũng có thể mắc bệnh này”.
Ngoài ra, phụ nữ đang trong quá trình mang thai cũng là đối tượng dễ mắc căn bệnh này bởi đây là giai đoạn mà nhu cầu canxi của cơ thể rất cao.
Bổ sung canxi để chống loãng xương là chưa đủ!
Trong cơ thể, quá trình tạo xương và hủy xương luôn luôn cân bằng. Ở người trẻ tuổi, quá trình tạo xương có ưu thế hơn. Ngược lại, quá trình hủy xương lại chiếm ưu thế ở những người lớn tuổi hay phụ nữ tiền mãn kinh.
Theo thời gian, xương sẽ yếu dần. Vì vậy, việc tạo xương không chỉ dừng lại ở việc bổ sung canxi mà còn cần những yếu tố khác.
“Mỗi ngày, cơ thể cần 800 đơn vị vitamin D và 1200 mg canxi. Muốn hấp thu được canxi thì cơ thể phải có vitamin D. Đồng thời, trong quá trình hấp thu canxi và vitamin D cần có sự tham gia của những tuyến nội tiết. Do đó, chỉ bổ sung canxi đơn thuần cũng không giúp ích được cho người bệnh loãng xương” – bác sĩ Linh khẳng định.
90% vitamin D của cơ thể được hấp thu qua ánh nắng, vì vậy đây là cách bổ sung vitamin D tốt và dễ dàng. Thời gian tắm nắng tốt nhất là từ 7-8 giờ sáng, lúc này tia cực tím ở mức thấp nhất và cơ thể có thể hấp thu vitamin D tốt. Với những người trưởng thành có thể sử dụng 10 – 15 giọt chế phẩm dung dịch vitamin D mỗi tuần.
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng phải bổ sung các loại vitamin, canxi cho dù có thiếu hay không. Tuy nhiên, bác sĩ Linh cho rằng quan niệm trên là sai lầm và chỉ bổ sung khi cơ thể cần. Bởi nếu bổ sung tùy tiện, đặc biệt là lúc cơ thể không cần sẽ khiến việc đào thải diễn ra khó hơn dẫn đến bệnh sỏi thận.
Tầm soát loãng xương
Việc kiểm tra, tầm soát loãng xương vô cùng quan trọng bởi căn bệnh này không có triệu chứng rõ ràng. Người bệnh chỉ phát hiện khi đã có di chứng, lúc này cơ thể đã mất 30% khối lượng xương. Đôi khi có những triệu chứng nhưng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như đau nhức, mệt mỏi, đi lại khó khăn, đau lưng.
Bác sĩ Linh cho biết, cách tốt nhất để chẩn đoán loãng xương hiện nay là đo mật độ xương. Một số loại xét nghiệm máu chỉ nhằm để tìm hiểu mật độ canxi trong cơ thể, không phản ánh được loãng xương.
Đa phần những người lớn tuổi đều có lượng canxi thấp nhưng không đồng nghĩa là bị loãng xương.
Ngoài ra, siêu âm gót chân cũng là cách tầm soát và phát hiện loãng xương.
Người lớn tuổi có lượng canxi thấp không đồng nghĩa là bị loãng xương (Ảnh: wiseGEEK)
Chị Hồng (quận 1, TPHCM) đã đi đo loãng xương, kết quả cho thấy mật độ xương của chị đã xuống gần với loãng xương. Điều này khiến chị vô cùng lo lắng và không biết bổ sung canxi, vitamin D như thế nào cho đúng cách.
Bác sĩ Linh cho biết, chị Hồng có thể bổ sung vitamin D kết hợp canxi mỗi ngày dưới dạng viên và kết hợp với uống sữa. Tuy nhiên, không nên uống sữa quá khuya vì lúc này, cơ thể hấp thu canxi rất kém và lắng đọng trong đường tiểu, gây ra bệnh sỏi thận.