Các nhà nghiên cứu từ Đại học Fudan ở Thượng Hải, Trung Quốc và Đại học Trung Quốc Hồng Kông đã đánh giá hơn 2 triệu người ở Đan Mạch sinh ra từ năm 1978 - 2018. Trong số những người đã mất anh chị em, độ tuổi trung bình vào thời điểm qua đời là 11.
Dựa trên dữ liệu theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, cái chết của anh chị em trong thời thơ ấu và tuổi trưởng thành sớm có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tổng thể tăng 17%.

Nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Network Open cho thấy, nguy cơ cao hơn ở những người mất anh chị em sinh đôi hoặc em ruột so với anh chị em lớn tuổi hơn.
Các nhà nghiên cứu viết: “Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho các anh chị em của tang quyến để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này”.
David Schonfeld, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Khủng hoảng và Mất mát Trường học tại Bệnh viện Nhi đồng Los Angeles – người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Dù nghiên cứu ban đầu về những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu không xem xét cụ thể tác động của cái chết của một thành viên trong gia đình, nhưng chúng tôi biết, cái chết của cha mẹ hoặc anh chị em là một trong những trải nghiệm căng thẳng nhất đối với trẻ em và có thể góp phần làm giảm tuổi thọ của trẻ”.
Bác sĩ tim mạch Jonathan Kahan - nhân viên tại Trung tâm Y tế Delray, một phần của Mạng lưới Y tế Palm Beach ở Florida, người không tham gia nghiên cứu thừa nhận, tổn thương do mất người thân có thể vượt xa sự mất mát ban đầu.
Ông nói: “Điều này có thể dẫn đến nhiều tác động về sau, bao gồm căng thẳng mãn tính, cảm giác tội lỗi của người sống và một loạt các phản ứng về cảm xúc hoặc thể chất khác”.
“Căng thẳng mãn tính hoặc cảm giác tội lỗi mãn tính có liên quan trực tiếp đến bệnh tim mạch, điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu. Một sự kiện đau thương như mất đi anh chị em có thể ảnh hưởng đáng kể đến tuổi trưởng thành của những người còn sống” – ông phân tích.
Bác sĩ Kahan đề cập đến một tình trạng gọi là bệnh cơ tim Takotsubo, còn được gọi là “hội chứng trái tim tan vỡ” hay bệnh cơ tim do căng thẳng, có xu hướng xảy ra cấp tính sau cái chết của người thân.
Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu này, Kahan khuyến khích các chuyên gia tim mạch mở rộng sự tập trung của họ sang các yếu tố nguy cơ phi truyền thống đối với bệnh tim mạch, chẳng hạn như mất mát, tang chế và căng thẳng.