Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 1/2: 3 người nguy kịch sau ăn cá nóc | Cứu sống người bị đâm 17 nhát

VOH - Cảnh giác viêm phổi, suy hô hấp do cúm A; Trung Quốc ghi nhận ca tử vong do nhiễm virus cúm A/H3N2 và H10N5; Mỹ cảnh báo biến chứng ở người mắc COVID-19 và cúm… là các tin nổi bật khác.

Cứu sống người bị đâm 17 nhát 

Chiều 31/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho hay vừa kích hoạt báo động đỏ phối hợp nhiều chuyên khoa cứu sống bệnh nhân N.T.B (48 tuổi, ở Long An) bị đâm 17 nhát.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu vào chiều 25/1 trong tình trạng vật vã, sốc mất máu, tiếp xúc chậm, trên cơ thể có 17 vết đâm, mỗi vết dài 1 - 2 cm; có 2 vết đâm thấu ngực vùng tim. Đây là tình trạng khẩn cấp nguy kịch tính mạng, sự sống tính bằng giây phút.

Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã khẩn cấp hội chẩn cùng lúc nhiều chuyên khoa với 12 y bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu vá được lỗ thủng tim, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.

Sau 1 tuần điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân phục hồi, tự thở, sinh hiệu ổn định, tiếp tục theo dõi.

Nhịp Sống Khỏe 1/2: 3 người nguy kịch sau ăn cá nóc | Cứu sống người bị đâm 17 nhát 1
Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim trong gang tấc. Ảnh: BVCC

3 người nguy kịch sau ăn cá nóc

Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam mới tiếp nhận 4 bệnh nhân cấp cứu, trong đó có 3 người trong tình trạng nguy kịch do ăn cá nóc.

Chiều tối 28/1, ông L.V.V., (50 tuổi), ông N.V.C., (55 tuổi), anh B.V.B., (35 tuổi) và anh Đ.D.N., (41 tuổi, đều trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam), được đưa vào Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam cấp cứu. Trong đó, 3 bệnh nhân V., C. và B. đau đầu, nôn ói, tiếp xúc chậm, tê lưỡi. Riêng bệnh nhân N. đau đầu nhẹ.

Theo bệnh nhân N., trưa cùng ngày, 4 người trong đó có anh đánh bắt hải sản trên vùng biển xã Tam Hải thì bắt được 3 con cá nóc. Nghĩ cá nóc không có độc nên nhóm đã chế biến để làm thức ăn.

Khoảng 30 phút sau khi ăn, 3 người bạn của ông N. có biểu hiện đau đầu, nôn ói. Đến 17h cùng ngày các nạn nhân được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Sau 3 ngày nhập viện cấp cứu, hiện cả 4 bệnh nhân sức khỏe đều ổn định và 1 người đã xuất viện về nhà.

Nhịp Sống Khỏe 1/2: 3 người nguy kịch sau ăn cá nóc | Cứu sống người bị đâm 17 nhát 2
Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: BVCC

Cảnh giác viêm phổi, suy hô hấp do cúm A

Thông thường, người bị cúm A sẽ hồi phục sau vài ngày và khỏi bệnh sau một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số người có thể gặp biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng như viêm phổi, suy hô hấp. Những đối tượng dễ bị biến chứng nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.

Viêm phổi do vi khuẩn có thể phát triển từ viêm đường hô hấp trên lan xuống đường hô hấp dưới. Người bệnh ho ra đờm vàng hoặc xanh, sốt ngày càng tăng và đau ở ngực khi hít thở sâu, đây là những dấu hiệu cảnh báo viêm phổi. Biến chứng nặng của viêm phổi sau khi nhiễm cúm là viêm phổi hoại tử, suy hô hấp, điều trị không phải dễ dàng. Người bệnh sẽ khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… thiếu oxy và thậm chí là tử vong.

Đặc biệt đối với trẻ em sẽ có một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A gồm: Suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển sau này của trẻ.

Theo CDC Hoa Kỳ, cúm và viêm phổi cộng lại là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 ở Mỹ, giết chết hàng chục nghìn người mỗi năm.

Nhịp Sống Khỏe 1/2: 3 người nguy kịch sau ăn cá nóc | Cứu sống người bị đâm 17 nhát 3
Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp.

Trung Quốc ghi nhận ca tử vong do nhiễm virus cúm A/H3N2 và H10N5

Trung Quốc hôm 31/1 vừa ra thông báo về một trường hợp nhiễm hỗn hợp virus cúm A/H3N2 và H10N5 ở tỉnh Chiết Giang và ca bệnh này đã tử vong.

Bệnh nhân là một phụ nữ 63 tuổi ở thành phố Tuyên Thành, tỉnh An Huy, có nhiều bệnh lý nền. Ca bệnh đã xuất hiện các triệu chứng như ho, đau họng và sốt từ ngày 30/11/2023; được đưa đến cơ sở y tế địa phương điều trị do bệnh tình chuyển nặng vào ngày 2/12; đến ngày 7/12 được chuyển đến cơ sở y tế ở tỉnh Chiết Giang và tử vong vào ngày 16/12.

Tỉnh Chiết Giang sau đó đã phân lập được virus cúm mùa H3N2 và cúm gia cầm H10N5 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này. Ngày 26/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã tiến hành tái kiểm tra và cho kết quả phù hợp với kết luận trước đó.

Các tỉnh Chiết Giang và An Huy đã tiến hành theo dõi y tế đối với những người tiếp xúc gần và không phát hiện thấy trường hợp bất thường nào.

Nhịp Sống Khỏe 1/2: 3 người nguy kịch sau ăn cá nóc | Cứu sống người bị đâm 17 nhát 4
Virus H3N2 dưới kính hiển vi. Ảnh: NIAID

Mỹ cảnh báo biến chứng ở người mắc COVID-19 và cúm

Với đợt bùng phát bệnh đường hô hấp như cúm và COVID-19 tại Mỹ, chuyên gia y tế cảnh báo về nguy cơ gia tăng biến chứng về tim mạch.

Sốt cao hoặc mất nước làm tăng nhịp tim, điều này rất nguy hiểm cho những người đang mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể gây viêm, khiến các mảng bám trong máu hình thành cục máu đông - nguy cơ tiềm ẩn gây ra các cơn đau tim.

Hướng còn lại ảnh hưởng trực tiếp nhưng hiếm gặp hơn là viêm cơ tim, thường xảy ra do virus. Viêm cơ tim có thể gây rối loạn nhịp tim, khiến nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường. Nó cũng có thể khiến cơ tim yếu đi, dẫn đến bệnh cơ tim, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả của tim. Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim và sốc tim. 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng cúm, Covid-19 và virus hợp bào hô hấp (RSV). CDC Mỹ cho biết tỷ lệ tiêm phòng vaccine đang ở mức thấp, khi chỉ 21,5% người trưởng thành tiêm liều vaccine Covid-19 bổ sung, 46,7% người tiêm vaccine cúm và 2,1% người từ 60 tuổi tiêm vaccine RSV.

Nhịp Sống Khỏe 1/2: 3 người nguy kịch sau ăn cá nóc | Cứu sống người bị đâm 17 nhát 5
Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”