Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhịp Sống Khỏe 27/1: Phát hiện ổ dịch thủy đậu tại Đắk Lắk | Nhiều người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ

VOH - Can thiệp kịp thời ca bệnh có nguy cơ đột quỵ; Tạo hình cứu bệnh nhân bị mất toàn bộ da mu bàn chân; Campuchia ghi nhận ca mắc cúm gia cầm H5N1 ở người… là các tin nổi bật khác.

Can thiệp kịp thời ca bệnh có nguy cơ đột quỵ

Chiều 26-1, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) cho hay vừa can thiệp kịp thời nguy cơ đột quỵ xuất huyết não và tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng cho chị T.M.V (36 tuổi, ở Đà Nẵng).

Chị V. thỉnh thoảng đau đầu nhẹ chóng mặt với triệu chứng rất mơ hồ, đi khám tổng quát không tìm ra bệnh. Qua chương trình chụp 1.000 ca MRI miễn phí tại S.I.S Đà Nẵng (thuộc hệ thống S.I.S Cần Thơ) với hệ thống máy MRI 3 Tesla, các bác sĩ phát hiện chị có túi phình động mạch cảnh trong bên phải đoạn động mạch mắt.

TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, cho biết đây là trường hợp túi phình khá điển hình, cổ khá rộng, có thể can thiệp đặt coil phòng đột quỵ. Chị V. được đặt 2 coil đơn thuần bít kín túi phình, tiết kiệm được chi phí khoảng 100 triệu đồng so với nhiều phương pháp can thiệp khác.

Theo chị V., trước khi được đặt coil, chị được nhiều số bác sĩ tại Đà Nẵng tư vấn đặt stent chuyển dòng với chi phí lên đến 200 triệu đồng.

Nhiều người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ

Trưa 26/1, ông Âu Hiền Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh xác nhận trên địa bàn Phường 1, thành phố Sóc Trăng vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ.

Trước đó, từ chiều 25/1, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng nhận được thông tin có một số ca nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Đơn vị nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức đội điều tra tại 5 bệnh viện trên địa bàn. Qua đó ghi nhận 30 người nhập viện tại các bệnh viện, trong đó có một số ca có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, sốt, hạ huyết áp.

Hầu hết nạn nhân cho biết đã ăn bánh mỳ từ chiều 24/1 và sáng 25/1 tại tiệm bánh mỳ nổi tiếng trên đường Hai Bà Trưng, thuộc Phường 1, thành phố Sóc Trăng. Sau khi ăn bánh mỳ có pate, chả lụa, chà bông, dưa leo… tới khuya cùng ngày, nhiều người bị đau bụng, tiêu chảy… phải nhập viện.

Theo thông tin từ chủ tiệm bánh mỳ cung cấp cho người dân bị ngộ độc, toàn bộ thực phẩm của tiệm được mua đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong khi chờ cơ quan chức năng có kết luận, tiệm đã tạm thời ngưng bán. Lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng cho biết đã cho lấy mẫu bánh mỳ và bệnh phẩm gửi xét nghiệm, khi có kết quả sẽ thông tin cụ thể.

Nhịp Sống Khỏe 27/1: Phát hiện ổ dịch thủy đậu tại Đắk Lắk | Nhiều người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ 1
Các bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại bệnh viện ở TP Sóc Trăng. Ảnh: CAND

Đắk Lắk: Phát hiện ổ dịch thủy đậu trong trường mầm non

Ngày 26/1, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn huyện vừa ghi nhận một ổ dịch thủy đậu tại trường mầm non Măng Non, thị trấn Ea Kar, với 28 trường hợp trẻ mắc bệnh.

Trước đó, ngày 2/1, bé N.P.P.T 5 tuổi, trú tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar có hiện tượng sốt, nổi bọng nước đầu tiên ở bụng sau đó lan sang tay và trán. Ngày 3/1, người nhà đi mua thuốc tại nhà thuốc tư nhân trên địa bàn về điều trị 3-4 ngày cho bé. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, nốt mụn nước đã khô, bé đã đi học trở lại.

Sau đó từ ngày 17 đến 22/1, xuất hiện thêm 27 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều thuộc lớp Lá 2, Trường mầm non Măng Non.

Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar đã nhanh chóng tiến hành xác minh các trường hợp mắc bệnh tại trường học, lập danh sách các bé theo ngày mắc bệnh, tiền sử tiêm chủng thủy đậu, cơ sở điều trị và tình trạng hiện tại. Đồng thời cấp phát Chloramin B cho trường học để vệ sinh phòng học và đồ chơi, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh thủy đậu và hướng dẫn nhà trường cũng như phụ huynh thực hiện các biện pháp để phòng dịch bệnh lây lan cũng như cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh…

Nhịp Sống Khỏe 27/1: Phát hiện ổ dịch thủy đậu tại Đắk Lắk | Nhiều người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ 2
Nếu không phòng, chống dịch đúng cách, dịch thủy đậu sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng.

Tạo hình cứu bệnh nhân bị mất toàn bộ da mu bàn chân

Chiều 26-1, Bệnh viện Quân y 175 thông tin, Khoa Bỏng - Vi phẫu tạo hình của BV vừa tiếp nhận bệnh nhân HHT (84 tuổi) bị khuyết da rộng gần như toàn bộ mu chân phải, cụt hoàn toàn ngón cái chân phải, lộ gân duỗi các ngón chân phải do tai nạn lao động.

Đây là một tổn thương phức tạp, đòi hỏi phải có phương án che phủ khuyết hổng phần mềm và phục hồi chức năng sớm cho bệnh nhân.

Xác định đây là trường hợp khó, đội ngũ BS của Khoa Bỏng - Vi phẫu tạo hình quyết định áp dụng kỹ thuật vi phẫu tạo hình để che phủ khuyết hổng.  Một ê-kíp bóc tách vạt da đùi trước ngoài có cuống mạch máu rời. Một ê-kíp chuẩn bị nguồn mạch máu nhận ở mu bàn chân phải, sau đó khâu nối vạt da vào mạch nhận dưới kính hiển vi phẫu thuật.

Sau gần 6 giờ phẫu thuật, vạt da hồng hào che phủ hoàn toàn vết thương. Theo dõi liên tục sau bảy ngày, bệnh nhân ổn định, vạt da sống tốt, vết mổ khô sạch, bệnh nhân có thể vận động và đi lại nhẹ nhàng.

Nhịp Sống Khỏe 27/1: Phát hiện ổ dịch thủy đậu tại Đắk Lắk | Nhiều người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ 3
Vi phẫu tạo hình cứu bệnh nhân bị mất da toàn bộ mu bàn chân. Ảnh: BVCC

Campuchia ghi nhận ca mắc cúm gia cầm H5N1 ở người

Ngày 26/1, Bộ Y tế Campuchia xác nhận một trường hợp mắc cúm gia cầm H5N1 ở người. Đây là trường hợp đầu tiên mắc cúm gia cầm ở người trong năm nay tại quốc gia Đông Nam Á này.

Bệnh nhân là một cậu bé 3 tuổi ở tỉnh Prey Veng, Đông Nam Campuchia.

Viện Y tế quốc gia và Viện Pasteur ở Campuchia xác nhận mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. Hiện bệnh nhân được các bác sỹ chăm sóc đặc biệt.

Điều tra dịch tễ cho thấy tại ngôi làng nơi bệnh nhân sinh sống cũng như quanh ngôi nhà của em đã có báo cáo về trường hợp gia cầm gồm gà và vịt bị chết khoảng 10 ngày trước đó.

Cúm H5N1 thường lây lan giữa các gia cầm bị bệnh nhưng đôi khi có thể lây từ gia cầm sang người. Các triệu chứng của nhiễm cúm H5N1 bao gồm sốt, ho, sổ mũi và gặp vấn đề về hô hấp nghiêm trọng.

Nhịp Sống Khỏe 27/1: Phát hiện ổ dịch thủy đậu tại Đắk Lắk | Nhiều người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ 4
Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”

 

Bình luận