Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những giai đoạn vàng phát triển trí não của trẻ

VOH - Những giai đoạn vàng phát triển trí não của trẻ là cơ hội để cha mẹ có hướng can thiệp và cách phát triển phù hợp nhằm khai thác tối đa tiềm năng não bộ của trẻ.

Ngoài yếu tố bấm sinh, trí thông minh của trẻ còn được tác động bởi rất nhiều yếu tố như: Chế độ dinh dưỡng, môi trường sống, quá trình tập luyện mỗi ngày.

Ảnh minh họa – 15-10-2024

Ảnh minh họa: Internet

Nhũng giai đoạn vàng phát triển trí não của trẻ

Giai đoạn trẻ từ 0 đến 3 tuổi

Nghiên cứu chỉ ra rằng, trí thông minh cao hay thấp phụ thuộc vào tần suất kết nối giữa các tế bào thần kinh trong não. Kết nối càng nhanh, trẻ càng thông minh.

Trước 3 tuổi, trọng lượng não của trẻ chỉ khoảng 390gram, các tế bào thần kinh trong não phát triển nhanh chóng và đến 3 tuổi, trọng lượng não tăng lên 1000gram.

Vào thời điểm này, các tế bào thần kinh trong não kết nối với tốc độ 700-1000 lần mỗi giây, đặc biệt là lúc 2 tuổi, các chức năng khác nhau của não đã đạt đến đỉnh cao so với một năm trước đó.

Các chức năng như ngôn ngữ, thính giác, thị giác và nhận thức phát triển nhanh chóng.

Giáo sư Richard Weissbourd, chuyên gia tâm lý học hành vi trẻ em tại Đại học Harvard cho rằng, đây là cơ hội đầu tiên để trẻ trở nên thông minh hơn.

Đối với giai đoạn này, các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ mạnh dạn và chủ động khám phá thế giới đầy màu sắc. Việc chú ý đến thế giới xung quanh sẽ giúp trẻ trở nên thông minh hơn.

Giai đoạn trẻ từ 5 đến 7 tuổi

Trong giai đoạn này tính cách và nhận thức của trẻ đã được hình thành nên cha mẹ cần chú ý hơn trong việc dạy trẻ.

Giai đoạn 5 - 7 tuổi trẻ đã bắt đầu tiếp nhận thêm nhiều kiến thức, tuy nhiên nhiều trẻ chưa phân biệt được đúng sai.

Do đó, họ sẽ dễ dàng học theo cả những thói quen xấu một cách rất nhanh. Với những trẻ trong giai đoạn này cha mẹ cần thường xuyên chú ý quan sát con để xem trẻ có thói xấu nào không từ đó mà kịp thời sửa chữa.

Cha mẹ hoàn toàn không nên đánh, mắng trẻ. Hãy kiên nhẫn dạy trẻ, giải thích để trẻ hiểu và phân biệt được đúng - sai.

Bởi nếu đánh, mắng trẻ trong giai đoạn này sẽ khiến trẻ càng phản kháng mạnh mẽ, làm trái ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu và hình thành tính cách không tốt ở trẻ.

Đối với những cha mẹ có con đang trong lứa tuổi này cần phải chú ý nắm bắt cơ hội rèn cho trẻ những thói quen sống tốt. Tùy theo tính cách cụ thể ở từng trẻ mà sẽ có những cách hướng dẫn con phù hợp.

Nếu như cha mẹ không bỏ lỡ giai đoạn phát triển này của trẻ thì trí não của trẻ sẽ phát triển một cách toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, để có thể hỗ trợ cho quá trình phát triển trí não của trẻ, các bậc phụ huynh nên thường xuyên đưa trẻ đến những khu vui chơi như: Vườn bách thú, các khu vui chơi trí tuệ có những trò chơi tư duy như xếp hình, ghép hình...

Giai đoạn trẻ từ 8 đến 10 tuổi

Giai đoạn trẻ từ 8 đến 10 tuổi được các chuyên gia nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển trí não trẻ.

Giai đoạn này, trẻ thường bướng bỉnh hơn. Trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu như: Chán nản học hành và thể hiện rõ sự nổi loạn. Trẻ thường không thích nghe, làm theo lời cha mẹ nói.

Giai đoạn này là giai đoạn cảm xúc cạnh tranh, tư duy chiến thắng của trẻ phát triển mạnh mẽ. Trẻ luôn cố gắng hết mình để tự giành chiến thắng với cha mẹ, bạn bè trong mọi vấn đề.

Yếu tố này tác động mạnh vào trí óc của trẻ.  Trẻ sẽ tư duy theo nhiều chiều hướng. Trẻ có thể  sáng tạo cách chơi và tạo ra những lối chơi mới để giành được chiến thắng. Việc sát sao với trẻ trong giai đoạn này là cực kỳ cần thiết.

Các chuyên gia nuôi dạy trẻ chỉ ra: Trước 11 tuổi là thời gian rất dễ để giúp trẻ cố gắng từ bỏ thói quen xấu. Sau độ tuổi này việc đó sẽ trở nên khó khăn vô cùng.

Càng lớn, những vấn đề trong thói quen, tính cách của trẻ sẽ trở thành đặc trưng tính cách con người trẻ khi lớn lên.

Chế độ dinh dưỡng để phát triển trí não

Cùng với phương pháp dạy trẻ trong các giai đoạn vàng phát triển não bộ của trẻ. Để hỗ trợ trẻ phát triển trí não tốt nhất thì chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hình thành và phát triển não bộ của trẻ.

Vì vậy, cha mẹ nên chú ý bổ sung dưỡng chất giúp phát triển não bộ cho trẻ như:

- Các axit béo omega-3: Axit béo này chiếm đến 60% thành phần của não bộ. Trong đó thì DHA và EPA chính là hai thành phần có vai trò quan trọng giúp phát triển trí thông minh của trẻ.

- Chất đạm (protein): Đây là một hoạt chất có tác dụng xây dựng nên các tế bào ở mô, cơ quan, kích thích sự phát triển của cơ thể và não bộ.

- I-ốt: Iod là một trong những dưỡng chất quan trọng cho quá trình phát triển não bộ, do đó nếu thiếu đi dưỡng chất này bé sẽ kém thông minh hơn.

- Sắt: Hoạt chất này có tác dụng giúp duy trì sự ổn định của các chỉ số tâm thần, trí nhớ và khả năng vận động của trẻ.

Bình luận