Theo Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, năm nay nhiều loại thực phẩm cứu trợ đã được người dân gửi đến vùng thiên tai, bão lũ, bao gồm bánh chưng, mì tôm, và nhiều loại khác.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các tổ chức và cá nhân nên ưu tiên quyên góp các lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng dài và dễ bảo quản như:
- Lương khô: thực phẩm có thể bảo quản lâu dài và dễ sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.
- Thực phẩm đóng hộp: bao gồm thịt, cá, rau củ quả đóng hộp, mì ăn liền, xúc xích tiệt trùng.
- Nước uống đóng chai hoặc đóng bình: cung cấp nước sạch cho người dân.
Đối với đối tượng trẻ em và người già có thể ủng hộ các loại vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe trong vùng bão lũ.
Các thực phẩm này cần được đóng gói và ghi nhãn đầy đủ với hạn sử dụng rõ ràng theo quy định để đảm bảo an toàn.
Hướng dẫn tự chế biến thực phẩm
Đối với những trường hợp tự chế biến thực phẩm để hỗ trợ người dân vùng lũ, cần tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể:
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp: Nên chọn các loại thực phẩm có thể bảo quản lâu như thịt khô, cá khô, các loại bánh có lá bọc được chế biến kỹ.
- Đóng gói kỹ càng: Sau khi chế biến, thực phẩm cần được để nguội, ép ráo nước và hút chân không vệ sinh an toàn để tránh nhiễm khuẩn và ghi rõ ngày sản xuất.
- Bảo quản đúng cách: Nên bảo quản thực phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Những điều cần lưu ý khi tiếp nhận thực phẩm
Khi nhận thực phẩm hỗ trợ, người dân cần kiểm tra kỹ lưỡng:
- Hạn sử dụng của thực phẩm: kiểm tra hạn sử dụng để tránh nguy cơ ngộ độc.
- Kiểm tra bao gói thực phẩm: không sử dụng thực phẩm nếu bao gói bị phồng, bẹp, hoen gỉ, hoặc có mùi vị, màu sắc bất thường.
- Lưu ý với thực phẩm đóng hộp: nếu nghe tiếng "xì" khi mở hộp hoặc có mùi lạ, không nên sử dụng vì có thể đã bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí, đặc biệt là độc tố botulinum.
- Quan sát thực phẩm tự chế biến: nếu có bóng khí trong màng bọc hoặc thực phẩm có dấu hiệu nhớt, mốc, mùi lạ, cần từ chối sử dụng.
Đề xuất từ cục an toàn thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các địa phương tổ chức lực lượng tiếp nhận và phân phối thực phẩm cứu trợ nhanh chóng, đồng thời dự trữ thuốc men, hóa chất, phương tiện và nhân lực để sẵn sàng xử lý các tình huống ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh liên quan đến thực phẩm có thể xảy ra.
Việc chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo rằng những phần quà mình gửi đến đều an toàn và chất lượng. Bằng cách tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta không chỉ giúp người dân no bụng mà còn bảo vệ sức khỏe của họ.