Cô Edita Jucaite, đến từ Banbury, Oxfordshire, từng thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ tương tự mà không gặp phản ứng nào. Tuy nhiên, lần tiêm filler môi vào tháng 4/2023 khiến môi cô sưng to và bị bầm tím nghiêm trọng.
Bác sĩ thực hiện tiêm filler, đồng nghiệp của cô, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bầm tím trên môi và khuyên cô liên hệ với bác sĩ gia đình.
Cô Jucaite cũng đã giảm cân, một dấu hiệu cảnh báo phổ biến của bệnh ung thư, và chỉ vài giờ sau khi xét nghiệm máu, phòng khám đã gọi điện cho cô.
Cô được khuyên đến bệnh viện ngay lập tức vì nghi ngờ mắc bệnh bạch cầu. Các xét nghiệm sau đó xác nhận cô mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML).
Cô Jucaite chia sẻ rằng, cô rất biết ơn vì có phản ứng xấu từ filler. Nếu không có bầm tím và được khuyến khích gặp bác sĩ, có thể cô đã chần chừ và để bệnh bạch cầu tiến triển, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Các dấu hiệu như bầm tím bất thường, chảy máu không rõ nguyên nhân, mệt mỏi và nhiễm trùng tái phát đều là dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư, nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức được những triệu chứng này.
Cô Jucaite không biết gì về dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu, cô chỉ thấy vui vì giảm cân trước kỳ nghỉ, và việc uống nhiều đồ uống năng lượng có thể đã che lấp cảm giác mệt mỏi.
Sau khi được chẩn đoán, cô đã bắt đầu điều trị hóa trị và hiện tại, bệnh của cô đã thuyên giảm. Tuy nhiên, cô sẽ phải dùng thuốc suốt đời để ngăn ngừa ung thư tái phát.
Tổ chức Leukaemia Care và Leukaemia UK đã công bố phát hiện mới từ một cuộc khảo sát của YouGov với 2.000 người trưởng thành ở Anh, cho thấy chỉ 14% dân số ở Anh có thể nhận diện đầy đủ bốn triệu chứng chính của bệnh bạch cầu.
Trên toàn nước Anh, hàng năm có khoảng 10.000 người được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu, với gần 5.000 ca tử vong. Trong đó, 37% số người được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nhận tin tức này tại khoa cấp cứu, nhiều hơn bất kỳ loại ung thư nào khác.