Theo bà Jane Muncke, đồng tác giả nghiên cứu và giám đốc khoa học của Tổ chức Food Packaging Forum, bằng chứng cho thấy 76 chất gây ung thư vú từ vật liệu tiếp xúc với thực phẩm có thể xâm nhập vào cơ thể người.
Phát hiện này xuất hiện khi số ca ung thư vú ở phụ nữ dưới 50 tuổi đang tăng đều đặn trong hai thập kỷ qua.
Viện Silent Spring, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về phòng ngừa ung thư vú, đã cập nhật danh sách 921 chất có khả năng gây ung thư, trong đó 642 chất kích thích sản xuất hormone estrogen hoặc progesterone, các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tiến sĩ Jenny Kay, nhà khoa học tại Viện Silent Spring nhấn mạnh rằng, việc nhiều chất gây ung thư có trong bao bì thực phẩm là một ví dụ cho việc chúng ta đang tiếp xúc với hóa chất mỗi ngày.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Toxicology, so sánh cơ sở dữ liệu của Silent Spring về các chất gây ung thư vú với danh sách FCChumon, hóa chất tiếp xúc thực phẩm phát hiện trong cơ thể người.
Bà Kay cho rằng, nghiên cứu giúp xác định các chất có thể xâm nhập vào chế độ ăn uống của con người, từ đó ưu tiên các hóa chất cần được quản lý.
Nghiên cứu cũng cho thấy, hầu hết việc phơi nhiễm các chất gây ung thư đến từ nhựa sử dụng trong bao bì thực phẩm, tuy nhiên, 89 hóa chất nghi ngờ gây ung thư đã được tìm thấy trong các hộp giấy và bìa cứng.
Bà Muncke giải thích rằng giấy có chứa các phụ gia như chất nhũ hóa, chất kết dính và một lớp nhựa dán lên giấy.
Một số hóa chất được xác định trong nghiên cứu là PFAS, là chất tổng hợp không dễ phân hủy, thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm để ngăn chất lỏng thấm qua giấy.
Do các liên kết bền vững trong PFAS, chúng không dễ bị phân hủy và tích tụ trong cơ thể người, động vật và môi trường, tạo ra nguy cơ cho sức khỏe.
Nghiên cứu về rủi ro sức khỏe của PFAS vẫn đang tiếp tục, với các tác động tiềm ẩn như thay đổi quá trình trao đổi chất, giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ thừa cân và ung thư.