Chờ...

Phát hiện về mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và trí nhớ kém ở trẻ em

VOH - Phát hiện nằm trong nghiên cứu với sự tham gia của 8.500 trẻ em từ khắp nơi trên nước Mỹ.

Một nghiên cứu mới với sự tham gia của 8.500 trẻ em từ khắp nơi trên nước Mỹ chỉ ra ô nhiễm không khí có nguồn gốc chủ yếu từ khí thải nông nghiệp có liên quan đến khả năng học tập và ghi nhớ kém ở trẻ 9 và 10 tuổi, theo Neuroscience News.

Thành phần cụ thể trong dạng ô nhiễm này, là bụi mịn hay PM2.5, là amoni nitrat, cũng đã được cho là tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ ở người lớn.

Nghiên cứu đã cho thấy tác động nghiêm trọng của PM2.5 trong không khí đối với chức năng nhận thức thần kinh.

o-nhiem-khong-khi-lien-quan-den-hoc-tap-va-tri-nho-kem-o-tre-em-17309279262462084691389-5-3
PM2.5 trong không khí có thể gây hại cho chức năng nhận thức thần kinh suốt đời - Ảnh: Freepik

Amoni nitrat được hình thành khi khí amoniac và axit nitric, sản phẩm của các hoạt động nông nghiệp và đốt nhiên liệu hóa thạch, tương tác trong khí quyển. Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives.

Megan Herting, giáo sư tại Trường Y Keck thuộc Đại học Nam California và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu nhằm nhấn mạnh sự cần thiết có các nghiên cứu chi tiết hơn về nguồn gốc và thành phần hóa học của các hạt bụi.

Qua đó sẽ nhìn ra được việc hiểu các chi tiết này quan trọng thế nào trong quy trình đưa ra các quy định về chất lượng không khí, cũng như hiểu về tác động lâu dài của các hạt bụi lên hệ thần kinh.

Trong vài năm gần đây, Herting đã làm việc với dữ liệu từ nghiên cứu não bộ lớn nhất trên toàn nước Mỹ, được gọi là Nghiên cứu Phát triển nhận thức não bộ thanh thiếu niên (ABCD), để hiểu cách PM2.5 có thể ảnh hưởng đến não.

Đốt nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn PM2.5 lớn nhất, đặc biệt ở các khu vực đô thị. Xếp sau đó là các nguồn khác như cháy rừng, nông nghiệp và phản ứng hóa học.

Năm 2020, Herting cùng một nhóm nghiên cứu đã đăng tải bài báo về công trình tìm hiểu PM2.5 nói chung và tác động tiềm ẩn của nó đối với nhận thức ở trẻ em, tuy nhiên công trình chưa đưa ra được mối liên hệ nào.

Ở nghiên cứu mới nhất, nhóm các nhà khoa học sử dụng các kỹ thuật thống kê đặc biệt để xem xét 15 thành phần hóa học của PM2.5 và các nguồn gốc của chúng. Lúc đó, amoni nitrat - thường là kết quả của các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi - đã nổi lên như một nguyên nhân chính.

“Dù chúng tôi xem xét thế nào, dù là riêng lẻ hay cùng với các chất ô nhiễm khác, phát hiện mạnh mẽ nhất là các hạt amoni nitrat có liên quan đến khả năng học tập và trí nhớ kém hơn”, Herting cho biết.

Nhà nghiên cứu nhấn mạnh điều này cho thấy rằng tổng thể PM2.5 là một yếu tố, “nhưng đối với nhận thức, nó là sự kết hợp của các tác động từ những gì bạn tiếp xúc”.

Các nhà nghiên cứu đang triển khai các dự án tiếp theo với hy vọng sẽ hiểu được cách các hỗn hợp và nguồn gốc này có thể ảnh hưởng đến các cá nhân khác biệt trong các kiểu hình não bộ, trong quá trình phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên.