Theo thông tin ba mẹ cung cấp, bệnh nhi N.P.H.A (hơn 4 tuổi, trú thôn Mỹ Thạch 1, huyện Chư Sê, Gia Lai) có thói quen ăn tóc của mình.
Tiến hành nội soi, các Bác sĩ phát hiện niêm mạc dạ dày viêm xung huyết, có dị vật là búi tóc bện chặt vào nhau, có chiều dài từ thân vị đến môn vị, đường kính khoảng 2,5 đến 3cm.
Qua thăm khám, bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu với chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa do búi tóc (Hội chứng Rapunzel).
Quá trình phẫu thuật, tiến hành mở dạ dày, các bác sĩ đã lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhi một khối búi tóc lớn, kích thước khoảng 12x10x3cm, cân nặng hơn 200 gram. Sau phẫu thuật, bệnh nhi ổn định, không có biến chứng sau phẫu thuật.
Hội chứng Rapunzel là một bệnh cảnh hiếm gặp, có liên quan đến rối loạn ăn tóc (Trichophagia). Chứng nhổ tóc bệnh lý được DSM-5 (Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ) xếp vào nhóm "Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan".
Người bệnh có xu hướng thèm ăn tóc của mình hoặc tóc người khác. Tóc sẽ không thể tiêu hóa như thực phẩm khi dung nạp, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc trong ruột non và có thể kèm theo “một cái đuôi tóc dài” nằm dọc theo trong lòng ruột.
Bệnh gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỷ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4 đến 17. Bệnh làm cho trẻ cảm thấy buồn và có thể gây suy giảm ở mức độ trung bình các hoạt động ngoài xã hội, trong nhà trường cũng như mối quan hệ gia đình của trẻ.
Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai khuyến cáo, sau khi phẫu thuật lấy búi tóc, nếu không tìm được nguyên nhân và trị liệu đúng chuyên khoa thì hành vi này tiếp tục tái diễn.
Trẻ sau mổ cần được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, huấn luyện hành vi để kiểm soát xung động trên.
Người thân nên quan tâm giúp bé phòng ngừa và tránh thói quen này. Nên quan sát kỹ lưỡng khi chăm sóc trẻ nhằm phát hiện sớm vấn đề bất thường, đồng thời cùng nhân viên y tế hỗ trợ hạn chế hành vi nuốt tóc, nâng đỡ tinh thần trẻ.