Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Phụ huynh đang đặt niềm tin vào ChatGPT hơn cả bác sĩ thật

MỸ - Theo một nghiên cứu mới tại Đại học Kansas, các bậc phụ huynh đang xem các câu trả lời từ trí tuệ nhân tạo (AI) là đáng tin cậy, uy tín và đạo đức hơn các chuyên gia y tế.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Calissa Leslie-Miller cho biết rằng, từ khi ChatGPT ra mắt, nhóm nghiên cứu đã lo ngại về cách các phụ huynh sử dụng công cụ tiện lợi này để thu thập thông tin sức khỏe cho con cái.

Bà chia sẻ rằng, các bậc phụ huynh thường tìm kiếm lời khuyên trên internet, vì vậy nhóm của bà muốn hiểu rõ cách sử dụng ChatGPT và những điều cần phải lưu ý.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Leslie-Miller đã thực hiện một nghiên cứu với 116 phụ huynh trong độ tuổi từ 18 đến 65. Nghiên cứu này đã được công bố đầu tháng 11 trên Tạp chí Tâm lý Nhi khoa (JPP).

AI dang tin cay hon (1)

Các phụ huynh xem các câu trả lời từ AI là đáng tin cậy, uy tín và đạo đức hơn từ các chuyên gia y tế. - Ảnh: Independent

Những người tham gia được cung cấp văn bản liên quan đến sức khỏe, trong đó có nội dung do các chuyên gia y tế và ChatGPT của OpenAI tạo ra. Những người tham gia không biết được nguồn gốc của các văn bản đó và được yêu cầu đánh giá chúng dựa trên 5 tiêu chí: tính đạo đức, độ tin cậy, chuyên môn, độ chính xác và khả năng họ sẽ tin dùng thông tin này.

Trong nhiều trường hợp, nhiều phụ huynh không thể phân biệt được nội dung đó do ChatGPT tạo ra hay của các chuyên gia. Kết quả cho thấy, ChatGPT được đánh giá là đáng tin cậy, chính xác và hữu ích hơn so với nội dung do các chuyên gia viết.

Bà Leslie-Miller chia sẻ: “Kết quả này đã khiến chúng tôi bất ngờ, đặc biệt khi nghiên cứu này được thực hiện ngay sau khi ChatGPT ra mắt”.

Bà cho biết rằng, AI đang được tích hợp theo những cách không dễ nhận biết, khiến mọi người khó phân biệt được nội dung do AI tạo ra với nội dung của các chuyên gia.

Bà cũng cảnh báo rằng, một số kết quả từ AI có thể chứa thông tin không chính xác, do các công cụ AI dễ bị "ảo tưởng", tức là khi hệ thống thiếu bối cảnh cần thiết khiến câu trả lời bị sai lệch. Điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe trẻ em.

Bà Leslie-Miller nhấn mạnh, việc khắc phục vấn đề này là rất quan trọng, vì mọi người có thể ngày càng dựa vào AI cho lời khuyên về sức khỏe mà không có sự giám sát từ chuyên gia.

ChatGPT được ra mắt vào tháng 11/2022. Vào ngày 31/10, OpenAI thông báo đã tích hợp tính năng tìm kiếm vào công cụ trò chuyện của mình, được gọi là ChatGPT search. Hiện ChatGPT có hơn 250 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Mặc dù ChatGPT hữu ích trong nhiều tình huống, nó vẫn có khả năng cung cấp thông tin không chính xác. ChatGPT không phải là chuyên gia, do đó người dùng cần thận trọng khi sử dụng.