Quảng Trị đang đối mặt với tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 817 trường hợp mắc bệnh, đáng chú ý tại một số huyện miền núi ghi nhận đến hơn 100 ca mắc là các huyện như Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Theo ghi nhận tại huyện Hướng Hoá, dịch bệnh đã lan rộng đến 16/21 xã, thị trấn với 137 ca bệnh. Tại đây, đã xuất hiện ổ dịch ở 7 địa điểm, dự báo số ca mắc sẽ tăng vọt trong thời gian tới, đòi hỏi các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết: "Trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện thành lập tổ cơ động với 7 thành viên nhằm thực hiện các nhiệm vụ tổng hợp, triển khai cũng như hỗ trợ các địa phương có dịch thực hiện đầy đủ các quy trình phòng chống".
Đồng thời, các đơn vị liên quan giám sát hỗ trợ phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương có dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, kiểm soát và xử lý ổ dịch để ngăn dịch bùng phát.
Bên cạnh đó, theo UBND huyện Gio Linh - hiện có số ca mắc cao hơn 100 ca, người dân tại đây vẫn chưa có ý thức cao phòng chống dịch bệnh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế khẩn trương triển khai các biện pháp truyền thông sâu rộng, hướng dẫn người dân phòng chống dịch một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường giám sát cộng đồng và xử lý kịp thời các ổ dịch.
"Chúng tôi yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai ra quân chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy. Ngoài ra, lập các Đội xung kích diệt loăng quăng/bọ gậy và Tổ giám sát để đảm bảo tất cả các hộ gia đình trong phạm vi chiến dịch được thực hiện kiểm tra xử lý diệt loăng quăng/bọ gậy đạt hiệu quả", ông Hạnh nói.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh học sinh trở lại trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế tăng cường giám sát, phối hợp chặt chẽ với Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và đào tạo các cấp để kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các trường học.
Mục tiêu là phát hiện sớm, cách ly và xử lý triệt để các ổ dịch, ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.
Phòng chống và chữa trị dịch bệnh sốt xuất huyết
Để phòng chống dịch bệnh, người dân cần thường xuyên dọn dẹp khu vực sống, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...).
- Thay nước bình hoa, lọ cắm hoa thường xuyên.
- Vệ sinh máng xối, rãnh thoát nước.
Ngoài ra, người dân cần chủ động mặc quần áo dài tay, dùng các loại kem bôi, thuốc xịt chống muỗi và ngủ trong màn kể cả buổi sáng.
ThS.BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế), cho biết, nếu bệnh nhân sốt xuất huyết được chỉ định điều trị tại nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối, bổ sung đủ nước bằng cách uống nhiều nước lọc hoặc oresol. Chế độ ăn nên nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa như cháo, súp. Để hạ sốt, paracetamol là lựa chọn an toàn và hiệu quả, tuyệt đối không sử dụng Ibuprofen hoặc aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu.
Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường như li bì, đau bụng dữ dội, nôn nhiều,... là dấu hiệutình trạng bệnh chuyển biến xấu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức. Việc chăm sóc đúng cách tại nhà sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.