Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quy trình điều trị thai phụ nhiễm vi-rút Zika như thế nào?

(VOH) - Sở Y tế TPHCM vừa ban hành Quy trình thu dung điều trị thai phụ bị nhiễm vi-rút Zika.

Theo Sở Y tế TPHCM, nhiễm vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền và có thể gây dịch. Vi rút Zika thuộc chi Flavirus, họ Flaviridae.

Có nguy cơ 1-10% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm vi rút Zika mang tật đầu nhỏ, dẫn đến chậm phát triển thể chất, trí tuệ, rối loạn thị giác, thính giác và rối loạn ngôn ngữ.

Ảnh minh họa. 

Dấu hiệu nhận biết thai phụ nghi nhiễm vi-rut Zika

Thai phụ được nghi nhiễm virus Zika khi có đủ các triệu chứng sau: Hồng ban da. Xuất hiện hai trong ba triệu chứng: Sốt thường nhẹ trên 37,5 độ C, đau đầu, đau mỏi cơ khớp hoặc viêm kết mạc mắt.

Nếu có đủ các triệu chứng nêu trên bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vi-rút Zika bao gồm: huyết thanh chẩn đoán phát hiện IgM hoặc Phản ứng khuyếch đại gen rRT-PCR vi-rút Zika từ bệnh phẩm huyết thanh.

Hiện nay, tại TP.HCM chỉ thực hiện xét nghiệm rRT-PCR vi-rút Zika để chẩn đoán xác định nhiễm vi-rút Zika.  Mọi thai phụ nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika đều được điều trị, theo dõi, tư vấn dù xét nghiệm rRT-PCR âm tính hay dương tính.

Xử trí thai kỳ đối với thai phụ nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm Zika

Các bệnh viện có chuyên khoa phụ sản thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc thai kỳ đối với những thai phụ trên hoặc có thể chuyển tuyến đến Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương nếu vượt quá khả năng.

Đối với trường hợp thai phụ nghi ngờ nhiễm Zika và xét nghiệm Zika, sẽ theo dõi thai kỳ và siêu âm định kỳ theo quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản: chú ý siêu âm đánh giá hình thái học thai nhi để kịp thời phát hiện những dấu hiệu của hội chứng Zika bẩm sinh.

Những dấu hiệu siêu âm của hội chứng Zika bẩm sinh gồm: đầu nhỏ (chu vi vòng đầu < -2 SD theo bảng đính kèm), nốt calci hóa nội sọ, các bất thường não, mắt và khớp. Tư vấn thêm cho thai phụ về những vấn đề liên quan đến nhiễm Zika trong thai kỳ.

Đối với trường hợp thai phụ được chẩn đoán xác định nhiễm Zika: Siêu âm tiền sản mỗi 2 - 4 tuần (khoảng cách giữa các lần siêu âm tuỳ thuộc tuổi thai) để đánh giá cấu trúc giải phẫu và tăng trưởng thai.

Tư vấn thêm cho thai phụ về những vấn đề liên quan đến nhiễm Zika trong thai kỳ.

Ảnh minh họa. 

Xử trí thai kỳ đối với trường hợp siêu âm thai phát hiện hội chứng Zika bẩm sinh

Trường hợp siêu âm phát hiện hoặc nghi ngờ có các bất thường thai của hội chứng Zika bẩm sinh, bệnh viện chuyển tuyến người bệnh đến Bệnh viện Từ Dũ hoặc Bệnh viện Hùng Vương để được thực hiện các xét nghiệm thăm dò, chẩn đoán trước sinh khác và xử trí tiếp theo.

Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương thực hiện việc sàng lọc trước sinh, chẩn đoán trước sinh và xử trí trước sinh đối với thai phụ theo quy định tại Thông tư số 34/2016/TT-BYT ngày 21/9/2016 của Bộ Y tế quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị, xử trí các bất thường, dị tật của bào thai.

Đối với trẻ sinh ra từ bà mẹ nghi ngờ hoặc xác định nhiễm Zika: yhực hiện tư vấn, khám tầm soát, sàng lọc theo chuyên khoa phù hợp để phát hiện sớm các bất thường, dị tật bẩm sinh và can thiệp kịp thời.

Bình luận