Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Số ca nhiễm HIV tăng nhanh, đặc biệt là tại TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long

(VOH) - Thống kê cho thấy, trong 3 năm gần đây, số ca nhiễm HIV mới tăng, trong đó tăng nhiều là các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM (28%) và Đồng bằng sông Cửu Long (26%).

Thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 3 năm gần đây, số ca nhiễm HIV mới tại Việt Nam có xu hướng tăng lên, từ 13.000 - 14.000 người/năm. Số ca phát hiện nhiều là các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM (28%) và Đồng bằng sông Cửu Long (26%).

Tỉ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84 - 86%). Đường lây HIV chủ yếu hiện nay là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.

Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020).

nhiễm HIV
Số ca nhiễm HIV mới có xu hướng tăng lên, từ 13.000 - 14.000 người/năm.

Nhóm nam quan hệ đồng tính chiếm khoảng 50% số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Nhóm tuổi 15 - 24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,6% năm 2021. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này năm 2021 cho thấy, 89,8% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%.

Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.

>>> Xem thêm: Gen Z hiện đại không ngại bảo vệ bản thân trước HIV/AIDS

Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao.

Theo Ths Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS: “Người nhiễm HIV mới khả năng lây nhiễm cao hơn 28 lần so với người nhiễm lâu vì giai đoạn này nồng độ virus cao. Khi phát hiện ca nhiễm mới, phải nhanh nhất để đưa những người này có nồng độ virus xuống thấp nhất để giảm lây nhiễm ra cộng đồng”.

Trên thế giới đến nay có 30,8 triệu người nhiễm HIV. Năm 2021 có khoảng 1,5 triệu người nhiễm mới và 650.000 người tử vong.

Xu hướng nhiễm HIV mới và số tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm qua hàng năm, nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều so với những năm trước đây, tốc độ tử vong cũng giảm chậm hơn.