Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những tác dụng của cây cỏ sữa trong điều trị bệnh

(VOH) – Cỏ sữa là loại cây mọc hoang khắp nơi ở bãi cỏ, sân vườn hay những nơi đất có sỏi đá,... thế nhưng loại cây này lại mang đến nhiều công dụng chữa bệnh không ngờ.

Ở Việt Nam hiện có 2 loại cỏ sữa: cỏ sữa lá lớn và cỏ sữa lá nhỏ.

  • Cỏ sữa lá lớn có tên khoa học là Euphorbia hirta L. thuộc họ Thầu dầu.L là loại cỏ mọc quanh năm, thân mảnh, mọc đứng cao khoảng 40cm, có màu đỏ nhạt, bên ngoài phủ lông màu vàng nhạt. Lá màu xanh hoặc đỏ, hình mác. Hoa nhỏ màu trắng hoặc đỏ nhạt. Quả màu nâu nhạt.
  • Cỏ sữa lá nhỏ (hay còn gọi là vú sữa đất) có tên khoa học là Euphorbia thymifolia Burm, thuộc họ thầu dầu. Cây mọc lan trên mặt đất, thân cành có màu tím đỏ. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc thon dài. Cụm hoa ở kẽ lá dạng xim có ít hoa ở nách lá. Quả nang, có lông phủ kín.

Cả 2 loại cỏ sữa trên đều mọc hoang khắp nơi và đều có thển dùng làm thuốc chữa bệnh, thu hái quanh năm, nhưng có nhiều nhất là vào mùa hè – thu, thường rửa sạch dùng tươi hoặc phơi khô.

1. Cây cỏ sữa có tác dụng gì?

1.1 Cỏ sữa lá nhỏ

Theo y học cổ truyền, cây cỏ sữa lá nhỏ có vị nhạt, hơi chua, tính hàn, giúp thanh nhiệt, thông huyết, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, kháng khuẩn, thông sữa. Những tác dụng của cây cỏ sữa bao gồm:

  • Điều trị bệnh kiết lỵ.
  • Tác dụng thông sữa, giúp phụ nữ sau sinh tăng khả năng tiết sữa cho con bú.
  • Chữa trị các bệnh ngoài da như bị mẩn ngứa, mụn nhọt.
  • Có thể giúp điều trị tình trạng đi ngoài ra máu.

nhung-tac-dung-cua-cay-co-sua-trong-dieu-tri-benh-voh

Cỏ sữa lá nhỏ thường được dùng làm thuốc trị một số bệnh (Nguồn: Internet)

Theo nghiên cứu y học hiện đại, trong cây cỏ sữa lá nhỏ có một loại tinh dầu màu xanh, mùi đặc biệt, vị kích ứng. Thành phần tinh dầu gồm cymol, carvacrol, limonen – sesquiterpen và acid salicylic.

Lá và thân cây cỏ sữa chứa flavonoid cosmosiin (5,7,4-trihydroxyflavone-7-glucoside). Rễ chứa taraxerol, tirucallol và myricyl alcohol.

Dung dịch cỏ sữa có tác dụng ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng lỵ (Sonner, Shigella, Flexneri,...) trong ruột, ức chế các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng. Do đó tác dụng của cỏ sữa lá nhỏ giống như một loại thuốc kháng sinh giúp điều trị các bệnh đường ruột và bệnh ngoài da. Ngoài ra, chúng còn được dùng làm thuốc lợi sữa cho phụ nữ sau sinh bị thiếu sữa hoặc tắc tia sữa.

Một số bài thuốc từ cây cỏ sữa

  • Chữa kiết lỵ: Dùng 100g cỏ sữa, 80g rau sam sắc với 300ml nước còn 150ml, chia thành 3 lần uống trong ngày. Hoặc cỏ sữa lá nhỏ 100g, lá mơ lông 20g, hạt cau 25g, rau sam 100g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.
  • Thuốc lợi sữa: Dùng 100g cỏ sữa, 40g hạt cây bông gạo, sao vàng 2 dược liệu trên, sau đó đổ nước vào nấu thành cháo ăn.
  • Trị bong gân: Cỏ sữa giã nát đắp trực tiếp lên vị trí bong gân.
  • Đại tiện ra máu do nhiệt: Cỏ sữa tươi, rửa sạch giã nát bôi vào chỗ bị mẩn ngứa hoặc nấu nước rửa.
  • Nhựa cây cỏ xước bôi trực tiếp cũng có tác dụng chữa hắc lào và mụn cóc.

1.2 Cỏ sữa lá lớn

Theo y học cổ truyền, cỏ sữa lá lớn có vị the chua, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ ngứa, thông sữa. Thường dùng để trị:

nhung-tac-dung-cua-cay-co-sua-trong-dieu-tri-benh-1-voh

Cỏ sữa lá lớn cũng được xem là cây thuốc quý trong điều trị bệnh (Nguồn: Internet)

Với nghiên cứu hiện đại, toàn cây cỏ sữa lá lớn có chứa chất taraxerol, taraxerol, beta sitosterol, còn có jamhu lol, acid melissic, một ít tinh dầu, một ít ancaloit. Thân cây cỏ sữa lá lớn có chất friedelin, myrixylacohol, hentria – contane. Hoa tươi chứa acid ellagic.

Cây cỏ sữa lá lớn có tính chất chống co thắt, làm dịu và làm dễ thở. Tác dụng của cỏ sữa lá lớn đối với y học hiện đại là giúp hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp (sổ mũi, ho mãn tính...), chữa các bệnh về mắt như viêm kết mạc, loét giác mạc.

2. Một số cách dùng từ cỏ sữa lá lớn

Cỏ sữa lá lớn có thể dùng dưới nhiều dạng khác nhau.

  • Dạng trà hãm nước uống, mỗi lần dùng khoảng 1g, ngày uống 2 lần.
  • Dang nước sắc, dùng 10 – 15g sắc với 200ml nước, chia uống 2 – 3 lần trong ngày.
  • Dạng cao lỏng, dùng 0.5 – 1.5g uống trong ngày.
  • Dạng cồn 1 – 3ml mỗi ngày.
  • Dùng tươi sắc thành nước để rửa một số bệnh ngoài da (không kể liều lượng).

Lưu ý:

 Các bài thuốc từ cỏ sữa lá lớn nên dùng trước khi ăn. Không nên dùng cỏ sữa lá lớn liều cao vì có thể gây kích ứng dạ dày và gây nôn mửa. Khi ngộ độc có thể dẫn đến tiêu chảy và rối loạn nhịp tim. Có thể giải độc bằng nước sắc cam thảo và kim ngân hoa (mỗi vị 12 - 16 gr).

Bình luận