Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tác dụng của nhung hươu là gì?

(VOH) – Nhung hươu được xem như một dược liệu quý cho nhiều đối tượng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người, đặc biệt là nam giới.

Nhung hươu hay còn gọi là lộc nhung, thanh mai nhung, ban long nhung... là sừng non chưa bị cốt hóa của hươu đực. Một cặp nhung tốt có 4 phần là nhung huyết ở phần đầu, nhung lộc, nhung xương và nhung giác ở phần cuối.

1. Nhung hươu có tác dụng gì?

Trong y học cổ truyền, nhung hươu được xếp vào một trong 4 loại thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ). Nhung hươu có vị ngọt mặn, tính ôn vào kinh thận, can, tâm và tâm bào lạc. Tác dụng của nhung hươu là giúp bổ thận tráng dương, cường gân kiện cốt. Thường dùng cho các trường hợp thận dương bất túc, tinh huyết hư, sợ lạnh, tay chân lạnh, đau lưng mỏi gối, liệt dương tảo tiết, tiểu nhiều, da niêm mạc xanh tái, ù tai, hoa mắt chóng mặt, phụ nữ vô sinh, gân xương teo yếu, thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu...

tac-dung-cua-nhung-huou-la-gi-voh

Nhung hươu được xem là một trong 4 thượng dược sâm-nhung-quế-phụ (Nguồn: Internet)

Với Tây y, các nhà nghiên cứu cũng nhận định nhung hươu mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Trong nhung hươu chứa khoảng 52,5% protid; 2,5% lipid; chất keo (keratin); 34% muối khoáng gồm canxi và amoni dưới dạng photphat, cacbonat, sắt, magie, chất đạm và đặc biệt có chứa một loại hormone có tên là pantocrin (lộc nhung tinh) rất quý.

Chính vì thế, công dụng của nhung hươu đối với cơ thể là giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, giúp vết thương mau lành, ăn ngủ tốt, lợi niệu và tăng nhu động dạ dày - ruột, chuyển hóa tốt protid và glucid, tạo huyết, bổ tim… dùng chữa các chứng bệnh do thận dương không đủ.

Tác dụng của nhung hươu tươi dành cho nam giới là giúp chữa liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng, mỏi gối. Với phụ nữ, nhung hươu giúp điều trị kinh nguyệt ra quá nhiều, chảy máu tử cung, bạch đới. Còn ở trẻ em, nhung hươu có tác dụng giúp trẻ nhanh lên cân, mau biết đi.

2. Tác dụng của nhung hươu ngâm rượu

Nhung hươu có nhiều cách chế biến nhưng thông dụng nhất vẫn là dùng nhung hươu ngâm rượu. Rượu nhung hươu giúp tráng dương tư âm, dùng cho những người mắc chứng bất lực, khó thụ thai do chất lượng và số lượng tinh trùng suy giảm, giảm sút ham muốn và khoái cảm tình dục. 

Dưới đây là một số cách ngâm rượu nhung hươu.

2.1 Ngâm rượu nhung hươu tươi

Sau khi có nhung tươi, lau sạch toàn bộ nhung (trừ chỗ cắt) bằng rượu gừng (một phần gừng tươi, giã nát ngâm với 5 phần rượu 35 - 40 độ), để khô, thái nhung và cho vào bình thủy tinh, đổ ngập rượu 35 - 40 độ, ngâm khoảng 3 tháng, chắt rượu ra, lại ngâm tiếp lần 2, lần 3 trong khoảng 3 - 4 tuần.

Gộp dịch của 3 lần ngâm lại, đổ thêm rượu 35 - 40 độ với tỷ lệ 1 phần nhung: 8 - 10 phần rượu. Nếu ngâm ít, có thể sử dụng rượu nhung ngay sau lần ngâm thứ nhất, 2 lần sau gộp lại dùng tiếp. Có thể thay rượu bằng mật ong.

Ngày uống 1 - 2 lần, một lần uống khoảng 2 ly rượu nhỏ vào trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.

tac-dung-cua-nhung-huou-la-gi-1-voh

Nhung hươu thường được ngâm rượu uống (Nguồn: Internet)

2.2 Ngâm rượu nhung khô

Nhung hươu mới cắt, lau bằng rượu gừng, để khô rồi sấy nhung trong tủ sấy ở nhiệt độ cao cho tới khi nhung hươu khô hoàn toàn. Khi ngâm rượu cần làm sạch các lông tơ bên ngoài mặt nhung bằng cách nung đỏ một que sắt, lăn đi lăn lại cho cháy hết lông hoặc lấy cồn 900 tẩm vào rồi đốt cho hết lông.

Lau sạch bằng rượu gừng, để khô, thái mỏng bằng dao cầu, mỗi phiến dày 2 - 3mm. Sau đó ngâm với rượu 35 - 40 độ, với tỷ lệ 100g nhung : 2.5 - 3 lít rượu thành phẩm. Ngâm 3 lần (lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2 ngâm 3 tuần, lần 3 ngâm 2 tuần). Mỗi lần ngâm khoảng 700 - 800ml rượu.

Gộp dịch chiết của 3 lần lại, thêm rượu cho đủ 2.5-3 lít. Có thể dùng riêng rượu nhung hoặc phối hợp với rượu nhân sâm (ngâm riêng). Ngày dùng 1 - 2 lần, mỗi lần uống khoảng 2 ly rượu nhỏ, trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.

Lưu ý: Không dùng rượu ngâm nhung hươu cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em. Ngoài ra, các trường hợp bụng sôi, đầy bụng, đau bụng đi ngoài thì không dùng được. Người âm hư hỏa vượng cũng cần nên tránh.

3. Một số cách dùng khác khi sử dụng nhung hươu làm thuốc

3.1 Bài thuốc bổ thận tráng dương

  • Nhung hươu sao với rượu, tán bột mịn: Mỗi lần uống 1g – 1.5g, chiêu bằng nước sắc dâm dương hoắc (20g sắc lấy 1 bát nước), giúp điều trị liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng.
  • Bột nhung hươu: Nhung hươu 1.5g, ô tặc cốt 20g, bạch thược 12g, đương quy 12g, tang ký sinh 12g, long cốt 12g, đảng sâm 12g, tang phiêu tiêu 12g. Tất cả tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g - 8g, chiêu với rượu trắng hâm nóng. Giúp chữa di tinh, liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng.

3.2 Bài thuốc tráng cốt

  • Bài hoàn gia vị địa hoàng: Nhung hươu 1.2g, ngũ gia bì 12g, thục địa 16g, sơn thù 12g, phục linh 12g, trạch tả 12g, đơn bì 12g, xạ hương 0.1g. Tất cả nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 4g - 12g. Thường được dùng trong trường hợp tủy hư, xương mềm, tay chân mềm yếu, trẻ em chậm lớn.
  • Cố kinh, chỉ băng: Nhung hươu 1.2g, a giao 12g, đương quy 12g, ô tặc cốt 20g, bồ hoàng 0.6g. Đem tất cả các vị tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, chiêu với ít rượu trắng hâm nóng. Chữa tình trạng gan và thận đều suy nhược, kinh nguyệt ra quá nhiều, băng lậu đới hạ.

tac-dung-cua-nhung-huou-la-gi-2-voh

Nhung hươu kết hợp với nhiều vị thuốc thành bài thuốc phòng và chữa nhiều loại bệnh (Nguồn: Internet)

3.3 Món ăn bài thuốc có nhung hươu

  • Thận dê hầm nhung hươu: Nhung hươu 4g, thỏ ty tử 15g, tiểu hồi 9g, thận dê một đôi. Tất cả ninh nhừ, thêm chút gia vị thích hợp. Dùng cho các trường hợp thận dương hư, đau mỏi vùng thắt lưng, khi lao động gắng sức.
  • Nhung hươu nấu với nấm hương, bắp cải: Nhung hươu 2g, nấm hương 150g, bắp cải 250g, rượu trắng 20g, mỡ lợn, gia vị, gừng, bột lọc, nước đủ dùng. Nhung hươu ngâm vào rượu trắng. Nấm hương ngâm nở, rửa sạch. Bắp cải thái nhỏ, rửa sạch. Cho nước, gia vị, rượu ngâm nhung hươu vào đun sôi. Sau đó cho bắp cải, nấm hương và cho 1 ít bột lọc nước đến khi sền sệt là dùng được. Món ăn này có tác dụng ôn thận, trợ dương.
  • Tim lợn hầm nhục thung dung, nhung hươu: Tim lợn 200g, nhục thung dung 20g, nhung hươu 15g, rượu, gia vị, gừng đủ dùng. Tim lợn rửa sạch, thái miếng, chần qua nước sôi. Cho nhục thung dung và nhung hươu vào túi vải buộc kín. Sau đó, cho tất cả các thứ trên vào nồi, đổ nước, hầm trong vòng 40 phút, sau đó nêm gia vị vào là dùng được. Mỗi ngày ăn 1 lần. Món ăn thích hợp cho người bị suy tim, thận lạnh dẫn tới loãng tinh.

4. Ai không dùng được nhung hươu?

Các nhà chuyên môn khẳng định rằng, sử dụng nhung hươu với mục đích tăng cường sức mạnh cho quý ông, tác dụng hiện vẫn còn trong giai đoạn đang được kiểm chứng. Vì thế, các quý ông cần phải hết sức thận trọng trong việc sử dụng nhung hươu để tăng cường sức mạnh "phòng the".

Ngoài ra, nhung hươu cũng không thích hợp cho một đối tượng sau đây:

  • Người thể trạng gầy, trong người nóng.
  • Người bị thiếu máu hay mất máu nhưng nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường.
  • Người bị viêm phế quản, khạc đờm vàng.
  • Người đang bị sốt, mắc bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp, đau thắt mạch vành có kèm huyết áp thấp...
  • Người có độ đông máu cao, người viêm thận nặng hoặc đang ốm, rối loạn tiêu hóa... không dùng.

Những người còn trẻ, sức khỏe bình thường, nếu muốn dùng nhung hươu tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ để được sự tư vấn phù hợp.

Bình luận