Bệnh nhân X.Q.C. (54 tuổi) nhập viện trong tình trạng chân phải đau nhức nghiêm trọng, có dấu hiệu co rút và bước đi khập khiễng. Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Chí Lăng, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình tại Bệnh viện Quốc tế City (CIH), bệnh nhân được chẩn đoán mắc hoại tử chỏm xương đùi cấp độ 3, với phần chỏm xương đã xẹp và xương dưới sụn bắt đầu nứt vỡ.
Theo lời ông C., trước đó ông đã chịu đựng cơn đau dai dẳng kéo dài hơn một năm rưỡi, từ những cơn đau nhẹ ban đầu dần chuyển sang đau dữ dội hơn mỗi ngày. Mặc dù đã thăm khám tại nhiều bệnh viện trong và ngoài nước, tình trạng của ông vẫn không cải thiện, thậm chí chân phải ngày càng co rút gây khó khăn trong đi lại. Đau đớn khiến ông mất ngủ, sụt cân và phải dùng nhiều loại thuốc giảm đau nhưng không hiệu quả.

Bác sĩ Lăng giải thích, hoại tử chỏm xương đùi thường có diễn tiến âm thầm, ban đầu chỉ là những cơn đau thoáng qua, xảy ra khi vận động mạnh như chạy bộ hoặc leo cầu thang. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm, tình trạng này sẽ trở nặng, gây đau liên tục ngay cả khi nghỉ ngơi, làm tổn thương các vùng xung quanh như mông, đùi, gối và háng. Khi bệnh tiến triển đến mức nghiêm trọng, việc điều trị sẽ phức tạp và tốn kém hơn, đòi hỏi phải phẫu thuật thay khớp để phục hồi chức năng.
Trước tình trạng nghiêm trọng của ông C., bác sĩ Lăng và ê kíp đã quyết định tiến hành phẫu thuật thay khớp háng toàn phần. Ca phẫu thuật kéo dài 90 phút đã thành công mà không gặp biến chứng. Nhờ phẫu thuật, khớp háng của bệnh nhân đã được thay thế hoàn toàn bằng khớp nhân tạo, độ lệch giữa hai chân được điều chỉnh cân bằng. Sau hai ngày, ông C. đã có thể tập đi lại với các dụng cụ hỗ trợ vật lý trị liệu và sau ba tuần, ông đã hồi phục hoàn toàn, đi lại bình thường mà không cần hỗ trợ.
Bác sĩ Lăng khuyến cáo người dân cần chú ý đến các dấu hiệu đau nhức ở vùng khớp háng, đùi. Các cơn đau khớp thường xuất hiện ở giai đoạn đầu rất nhẹ và ngắn, dễ khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, nếu không chữa trị sớm, cơn đau sẽ lan rộng và trở nặng, dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Việc đến khám và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp điều trị dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí và hạn chế phải phẫu thuật.
Ngoài phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định các biện pháp điều trị giảm đau và tăng cường vận động như dùng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu. Những giải pháp này không chỉ giúp giảm đau hiệu quả mà còn cải thiện đáng kể khả năng vận động của người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống khi tuổi cao.