Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Táo bón khi mang thai nguy hiểm thế nào? Cách phòng ngừa hiệu quả

(VOH) – Táo bón luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người và với những phụ nữ bị táo bón khi mang thai thì lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Theo TS, BS Lê Văn Hiền (PGĐ BV Quốc tế Hạnh Phúc) táo bón là hiện tượng rất thường gặp ở phụ nữ mang thai. Theo thống kê, cứ 3 người thì sẽ có khoảng 2 người bị táo bón khi mang thai và sau sinh. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu mà nó còn có thể tác động không tốt cho thai nhi và cả giai đoạn hậu sản của người mẹ.

Vì sao có hiện tượng táo bón khi mang thai?

Táo bón ở bà bầu có thể chưa tới mức gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có tác động rất lớn đến chất lượng của sống cũng như làm tiền đề cho nhiều căn bệnh khác nhau.

 tao-bon-khi-mang-thai-nguy-hiem-the-nao-cach-phong-ngua-hieu-qua-voh

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

Với phụ nữ mang thai nguyên nhân gây táo bón thường do:

  • Tử cung ngày càng lớn và chèn ép vào các cơ quan xung quanh, đặc biệt là trực tràng. Khi tử cung đè xuống vùng trực tràng khiến nhu động của trực tràng bị kém đi và gây ra tình trạng táo bón.
  • Sự thay đổi nội tiết tố progesterone khiến cơ trơn của tử cung mềm hơn, không co thắt nhiều, dẫn đến các cơ trơn của những cơ quan khác như dạ dày, trực tràng cũng sẽ giảm đi sự co thắt và gây táo bón.
  • Việc sử dụng nhiều loại thuốc trong thai kỳ, đặc biệt là sắt, canxi, các loại vitamin, axit folic… cũng là một trong những yếu tố khiến cho phân bị khô và dễ bị táo bón.

Với phụ nữ sau sinh, nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng táo bón là:

  • Lười vận động.
  • Sợ đau, không dám đi đại tiện.
  • Chế độ dinh dưỡng kiêng khem, ăn khô khan.
  • Không dám uống nhiều nước.

Táo bón khi mang thai thường xuất hiện vào thời gian nào?

TS, BS Lê Văn Hiền cho biết, tình trạng táo bón có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng đặc biệt nhiều nhất ở những tháng cuối. Nguyên nhân là do tử cung càng lớn sẽ càng chèn ép vào trực tràng nhiều hơn.

tao-bon-khi-mang-thai-nguy-hiem-the-nao-cach-phong-ngua-hieu-qua-1-voh

Tình trạng táo bón thường xuất hiện nhiều vào những tháng cuối thai kỳ (Nguồn: Internet)

Đây chính là một trong những triệu chứng mang thai gây khó chịu nhất mà mẹ bầu phải trải qua.

Bị táo bón khi mang thai có sao không?

Tình trạng táo bón kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của mẹ bầu mà còn có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.

  • Phụ nữ mang thai bị táo bón lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng chảy máu khi đi ngoài, viêm loét trực tràng, bệnh trĩ, sa trực tràng....
  • Phụ nữ sau sinh bị táo bón nhiều có thể làm bục vết khâu tầng sinh môn, từ đó dẫn đến nhiễm trùng và nhiều vấn đề khác.

Do đó, phụ nữ mang thai tuyệt đối không được coi thường chứng táo bón, cần có biện pháp chủ động phòng ngừa để hạn chế rủi ro.

Làm sao để phòng ngừa tình trạng táo bón trong thai kỳ?

Nếu bị táo bón trong giai đoạn mang thai mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để cải thiện tình trạng:

  • Xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp: Ăn đủ chất, uống đủ nước (2 – 3 lít nước/ngày).
  • Có chế độ luyện tập phù hợp. Tránh việc ngồi hoặc nằm một chỗ quá nhiều vì có thể làm hạn chế chức năng co bóp của đường tiêu hóa và dẫn đến táo bón.
  • Tập thói quen đi vệ sinh vào buổi sáng.
  • Sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin, sắt, canxi cần uống đúng cách, đó là: Uống nhiều nước. Thuốc sắt nên uống trước khi ăn và cần uống nhiều nước, có thể ăn thêm trái cây giàu vitamin C để giúp hấp thu sắt tốt hơn và không gây tình trạng táo bón. Với canxi và vitamin không nên uống vào buổi tối, nên uống vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Ngoài ra, thuốc sắt và canxi không uống cùng một lúc.

tao-bon-khi-mang-thai-nguy-hiem-the-nao-cach-phong-ngua-hieu-qua-2-voh

Uống đủ nước ăn đủ chất là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón (Nguồn: Internet)

Ở giai đoạn sau sinh chị em phụ nữ cũng cần lưu ý:

  • Tập thói quen đi vệ sinh mỗi ngày.
  • Không quá kiêng khem sau sinh, nên ăn canh, ăn nhiều rau, trái cây.
  • Uống nhiều nước.
  • Giảm căng thẳng.

Nhìn chung, táo bón khi mang thai không phải là vấn đề quá nguy hiểm nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều về vấn sức khỏe khác cho phụ nữ mang thai và sau sinh. Do đó, mẹ bầu cũng không nên chủ quan khi thấy có tình trạng này, nên đến gặp bác sĩ nếu vấn đề táo bón ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của mẹ.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Chớ xem thường nấm âm đạo khi mang thai : Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm nấm âm đạo do sức đề kháng bị suy giảm. Vậy bị nấm âm đạo khi mang thai có nguy hiểm không và có thể chữa được không?

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu khi mang thai và cách xử trí : Thời kỳ mang thai được xem là yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng đường tiểu ở phụ nữ. Mặc dù phụ nữ rất dễ bị nhiễm trùng tiểu khi mang thai, tuy nhiên tình trạng này có thể điều trị được.