Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thành tựu Y khoa Việt Nam 2020: Ghép tim - giải pháp hiệu quả cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối

(VOH) - Ghép tim là một phẫu thuật được thực hiện trên bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối  khi các phương pháp điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật khác đã thất bại.

Trong phẫu thuật này, trái tim của bệnh nhân bị loại bỏ và thay thế bằng tim đang hoạt động bình thường được hiến tặng từ người cho chết não. Ghép tim không được xem là phương thuốc chữa bệnh tim nhưng là phương pháp điều trị tối ưu nhất nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nhận, kéo dài thêm tuổi thọ cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối đã trơ với điều trị nội khoa.

Thành tựu Y khoa Việt Nam 2020: Ghép tim - giải pháp hiệu quả cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối
Ảnh do bệnh viện cung cấp. 

Cấy ghép tim là một trong những loại phẫu thuật khó nhất, tốn kém nhất, nhiều rủi ro nhưng nếu thành công có thể giúp hơn 85% số người được phẫu thuật trở lại cuộc sống bình thường. Đây là một phẫu thuật có thể mất rất nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Được biết, quy trình thực hiện ghép tim bắt đầu từ việc lấy tim ra khỏi người hiến được làm lạnh, bảo quản đặc biệt trong thời gian chờ người tiếp nhận, tốt nhất nên cấy ghép trong 4 giờ. Bệnh nhân được gây mê, sử dụng máy hô hấp tim-phổi nhân tạo giúp cơ thể nhận oxy và các chất dinh dưỡng từ máu trong lúc thực hiện thay thế quả tim mới. Bác sĩ sẽ thực hiện mổ mở xương sườn bằng cách tách xương ngực, sau đó lấy quả tim cũ ra ngoài, trừ vách ngăn phía sau của tâm nhĩ và buồng phía trên của tim. Phần phía sau tâm nhĩ của quả tim mới sẽ được mở và tim mới được đưa vào khâu ngay. Bước tiếp theo là kết nối với các mạch máu giúp máu lưu thông qua tim và phổi. Sau khi tim được làm ấm chúng sẽ có những nhịp đập đầu tiên, bước cuối cùng cần phải kiểm tra lại hết đảm bảo các mạch máu đều đã kết nối và buồng tim có bị rò rỉ trước khi thay thế tim nhân tạo. Thời gian phẫu thuật có thể kéo dài từ 4 đến 10 tiếng đồng hồ do cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, tinh vi cho một quá trình cấy ghép phức tạp. Sau khi được ghép tim bệnh nhân được theo dõi nếu không có sự phản ứng lại bệnh nhân có thể xuất viện và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nói về độ tuổi để ghép tim, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Hoài Ân – Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ: “Chúng ta có thể ghép tim cho tất cả các độ tuổi, tuy nhiên các bác sỹ ưu tiên cho các bệnh nhân trẻ, trẻ nhỏ, vì cuộc đời các bé còn rất dài, còn các người lớn tuổi thì hệ miễn dịch họ rất yếu. Trung bình sau khi ghép tim có thể sống 15 năm khỏe mạnh nếu tuân thủ theo đúng quy định” 

Tất cả các ca ghép tim sau khi thực hiện xong bệnh nhân đều cần được theo dõi cẩn thận và chăm sóc đặc biệt: Sinh thiết mô tim hàng tuần trong 3 - 6 tuần đầu, hàng tháng trong năm đầu tiên và định kỳ trong những năm tiếp theo để kiểm tra các tế bào tim có đang bị hư hại không và có cần thay đổi liều dùng của thuốc ức chế miễn dịch hay không. Thông báo cho bệnh nhân những dấu hiệu nhiễm trùng hay đào thải như: sốt trên 38oC, đau đầu, nhức mỏi, buồn nôn, nôn, khó thở, đau tức ngực, huyết áp tăng, đổ mồ hôi, nổi mẩn trên da, đau họng, ho, sổ mũi,...

Thực hiện chế độ tập luyện dành cho người ghép tim để cải thiện chức năng tim và phòng béo phì. Chế độ ăn kiêng đặc biệt cho người mới ghép tim: hạn chế chất béo, ăn nhạt làm giảm các nguy cơ ảnh hưởng đến tim.

Hiện tại nhu cầu ghép tim của bệnh nhân ở miền trung rất lớn. Danh sách chờ ghép tim ở Huế luôn có khoảng hơn 35 ca bệnh đang chờ ghép. Hàng năm số bệnh nhân chờ ghép tăng lên trung bình khoảng 7 đến 10 ca và có từ 3 đến 5 ca tử vong do không đáp ứng điều trị nội. Ghép tim giúp cho các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thêm cơ hội được ghép tim, đem lại sức khỏe, tăng thêm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống hạnh phúc cho bệnh nhân đồng thời giảm bớt tỷ lệ tử vong hàng năm cho các bệnh nhân trong danh sách chờ ghép

“Ghép tim - giải pháp hiệu quả cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối - Bệnh viện TW Huế” là đề cử tham gia giải thưởng thành tựu y khoa Việt Nam 2020.

Cập nhật thông tin chương trình tại: https://www.facebook.com/ThanhTuuYKhoaVietNam

Nghe trực tuyến tại: https://radio.voh.com.vn/thanh-tuu-y-khoa-821.html

Bình luận