Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tìm hiểu về phương pháp thắt ống dẫn trứng ở phụ nữ

(VOH) – Thắt ống dẫn trứng là biện pháp tránh thai vĩnh viễn ở nữ giới. Đây là một phẫu thuật đơn giản, không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này qua bài viết sau.

1. Thắt ống dẫn trứng là gì?

Thắt ống dẫn trứng (hay còn gọi là triệt sản) là một biện pháp tránh thai ở nữ giới có tác dụng tránh thai vĩnh viễn. Bản chất của việc này là làm nghẽn ống dẫn trứng để ngăn tinh trùng và trứng gặp nhau. Mỗi tháng, thông thường sẽ có một trứng rụng rồi đi qua một ống dẫn trứng để vào tử cung. Triệt sản nữ là việc thắt và cắt hai ống dẫn trứng. Từ đó, chặn đường đi của trứng, trứng vẫn rụng nhưng không thể đi vào tử cung và gặp tinh trùng ở đó, vì thế, phụ nữ sẽ không thể mang thai. Trường hợp này cũng tương tự như một số chị em bị bệnh tắc ống dẫn trứng.

Có nhiều cách để làm nghẽn ống dẫn trứng như buộc, tiêu hủy bằng dao đốt điện, cặp bằng kẹp, thắt vòng nhẫn hoặc làm đông lạnh...

Quá trình thắt ống dẫn trứng không ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và kinh nguyệt, bởi thắt ống dẫn trứng không làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người thực hiện. Vì thế, về cơ bản quá trình rụng trứng vẫn xảy ra và kinh nguyệt vẫn xảy ra, đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến sinh lý (quan hệ vợ chồng) của người thực hiện.

1.1 Khi nào phụ nữ chọn thắt ống dẫn trứng?

Mọi phụ nữ đều có thể thực hiện phương pháp triệt sản này nếu đã thông quá trình khám tư vấn lựa chọn kỹ lưỡng.

Thắt ống dẫn trứng thường được nghĩ đến cho các đối tượng từ 30 tuổi trở lên, đã có từ hai con sống khỏe mạnh, phát triển bình thường, đồng thời con nhỏ nhất phải trên 3 tuổi.

Ngoài ra, chỉ định triệt sản là phù hợp trong các trường hợp: phụ nữ có các bệnh lý y khoa nặng, không đủ khả năng mang thai hay có những rối loạn về tâm thần.

Lưu ý: Thắt ống dẫn trứng chống chỉ định với những phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, đang bị nhiễm khuẩn cấp vùng cơ quan sinh dục hay toàn thân hoặc đang nhiễm trùng vết mổ.

1.2 Thời điểm thắt ống dẫn trứng khi mổ đẻ, sinh thường tốt nhất khi nào?

Thời điểm tốt nhất để thắt ống dẫn trứng là ngay sau khi mổ lấy thai, trong 24 – 36 giờ đầu sau khi sinh, thường là 6 giờ sau sinh nhưng không được trễ hơn 48 giờ. Mục đích là nhằm giảm nguy cơ chảy máu và tiện lợi tránh gây đau nhiều lần cho sản phụ.

Tuy nhiên, trường hợp thai phụ có những bất thường trong quá trình sinh nở như: ối vỡ sớm, sốt trong chuyển dạ, thủ thuật soát lòng tử cung và có những yếu tố nguy cơ nhiễm trùng thì nên trì hoãn việc thắt ống dẫn trứng, có thể thực hiện sau sinh 6 tuần. Tuy nhiên, ở thời điểm này sản phụ có thể sẽ bị đau một thời gian và gặp một số tác dụng phụ không mong muốn khác.

tim-hieu-ve-phuong-phap-that-ong-dan-trung-o-phu-nu-voh

Đối với phụ nữ sinh thường, triệt sản sau sinh được thực hiện tốt nhất trước khi tử cung trở về vị trí thường của nó, thường là trong vòng một vài giờ hoặc vài ngày sau sinh.

Riêng với những phụ nữ không mang thai, thời điểm tốt nhất để thực hiện thủ thuật thắt ống dẫn trứng là ngay sau sạch kinh nguyệt 3 – 5 ngày. Vào thời điểm này sẽ loại trừ được khả năng triệt sản ở người có thai sớm.

2. Phương pháp thắt ống dẫn trứng thực hiện như thế nào?

2.1 Trước khi thắt ống dẫn trứng

Cả vợ và chồng cần phải được tham vấn trước khi thực hiện phương pháp này. Sau đó, cả hai phải cùng thống nhất và ký xác nhận, bởi lẽ:

  • Đây là phương pháp tránh thai vĩnh viễn.
  • Tỷ lệ thất bại nhất định (1/10.000 trường hợp vẫn có thai sau khi thắt ống dẫn trứng), tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
  • Có thể gặp phải một vài biến chứng không không mong muốn, mặc dù ở một tỷ lệ rất thấp.

2.2 Quá trình thắt ống dẫn trứng

Thời gian thực hiện thắt ống dẫn trứng ở nữ giới sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể (sinh thường, sinh mổ, hay chưa mang thai).

Ngày trước mổ, người phụ nữ sẽ được thăm khám phụ khoa tổng quát, xét nghiệm, làm phết tế bào cổ tử cung và loại trừ các trường hợp rối loạn kinh nguyệt, khối u, sa sinh dục, rối loạn về tiết niệu.

tim-hieu-ve-phuong-phap-that-ong-dan-trung-o-phu-nu-1-voh

Trong ngày mổ, người phụ nữ sẽ được thụt tháo phân, đặt thông tiểu và thay trang phục, vệ sinh phẫu trường. Sau khi người phụ nữ đã được gây mê. Bác sĩ làm phồng bụng bằng khí và tạo một vết rạch nhỏ để tiếp cận các cơ quan sinh sản bằng nội soi hoặc qua đường âm đạo, sau đó, sẽ thắt ống dẫn trứng. Bác sĩ có thể làm điều này bằng cách:

  • Cắt và gấp các ống
  • Tháo bỏ các phần của các ống
  • Chặn các ống bằng băng hoặc kẹp

2.3 Sau khi thực hiện thắt ống dẫn trứng

Sau mổ, người phụ nữ sẽ lưu lại các cơ sở y tế ít nhất một đến hai ngày để theo dõi, giảm đau. Đồng thời, các bác sĩ sẽ theo dõi các biến chứng có thể do cuộc mổ gây ra như chấn thương bàng quang, ruột, mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng, chảy máu vết mổ... cũng như các tai biến xảy ra muộn khi gây mê.

Nếu thuận lợi, người thực hiện sẽ được xuất viện và dặn dò tái khám sau 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng.

3. Một số vấn đề có thể gặp phải sau khi thắt ống dẫn trứng

Sau khi thắt ống dẫn trứng, chị em có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, hơi đau bụng, đau vai, đầy hơi, chóng mặt, buồn nôn do tác dụng của gây mê giảm đau. Tuy nhiên, các biểu hiện này sẽ biến mất sau một vài ngày.

Chị em vẫn sẽ có kinh nguyệt sau khi thắt ống dẫn trứng nhưng chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên không đều và máu ra nhiều hơn, số ngày hành kinh có thể kéo dài hơn.

Phương pháp này chỉ có thể giúp tránh thai, không thể tránh được các bệnh lây qua đường tình dục như: lậu, giang mai, mụn rộp sinh dục...

Mặc dù hiếm gặp nhưng phụ nữ thắt ống dẫn trứng có nguy cơ bị mang thai ngoài tử cung (tỷ lệ 0.1 – 1%).

Tóm lại, thắt ống dẫn trứng là một phương pháp tránh thai hiệu quả và an toàn, không làm ảnh hưởng đến nội tiết hay bản chất nữ tính của người phụ nữ (về tính tình, làn da, mái tóc và cả chuyện “chăn gối”).  Tuy nhiên, các chị em cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thực hiện phương pháp này vì đây là một biện pháp tránh thai vĩnh viễn.