Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thời tiết nắng nóng, cảnh giác với nguy cơ "đột quỵ nhiệt"

(VOH) - Theo dự báo, tình trạng nắng nóng còn kéo dài trên khu vực miền Đông Nam bộ, điều này gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của những người có bệnh mãn tính, người cao tuổi.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn thân nhiệt

Đáng chú ý là triệu chứng tăng thân nhiệt như chuột rút, kiệt sức, mệt mỏi và tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là đột quỵ nhiệt.

Theo Viện Quốc gia Hoa Kỳ về lão hóa (NIA), các yếu tố sức khỏe làm tăng nguy cơ rối loạn thân nhiệt bao gồm: Thay đổi về da do lưu thông máu kém và tuyến mồ hôi không hiệu quả; Sử dụng rượu, mất nước và thừa cân hoặc thiếu cân nghiêm trọng; Mắc bệnh tim, phổi, thận và những bệnh khác hoặc sốt; Huyết áp cao hoặc các vấn đề sức khỏe khác; Sống trong nhà không thông gió, bí bách; không uống đủ nước; mặc quá nhiều quần áo; đến những nơi đông đúc...

Người cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao khi thời tiết nắng nóng - Ảnh minh họa (Nguồn: Danviet).

Xử trí và phòng tránh khi bị sốc nhiệt

Khi một người có triệu chứng bệnh do bị sốc nhiệt, cần đưa ra khỏi chỗ nắng nóng, vào bóng râm, mát mẻ và nằm nghỉ ngơi. Nếu nghi ngờ đột quỵ nhiệt, cần đến bác sĩ ngay lập tức. Trong thời gian sơ cứu, có thể sử dụng khăn lạnh, khăn ướt làm mát ở cổ tay, cổ, nách... Sau đó, uống nước mát hoặc trái cây và nước rau ép.

Đặc biệt, với người lớn tuổi, nhất là những người có bệnh mãn tính, nên ở trong nhà vào những ngày nắng nóng hoặc ẩm ướt và cần nhớ không nên dùng đồ uống có cồn hoặc caffine. Ngoài ra, để phòng tránh những tác hại của nắng nóng với sức khỏe, cần tuân theo các chế độ chăm sóc sau:

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: Người cao tuổi nên giữ chế độ ăn đều đặn từ 4-5 bữa/ngày, khoảng cách giữa các bữa nên đều nhau và thực hiện đúng giờ, thay vì ăn nhiều lần trong 1 bữa nên chia nhỏ số lần ăn, mỗi lần ăn từng ít một để cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tránh tạo áp lực cho dạ dày, cơ thể cũng sẽ hấp thu dưỡng chất tốt hơn; bổ sung thêm trái cây tươi, rau xanh để có thể cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất tự nhiên cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

- Uống đủ nước, đúng cách và điều độ mỗi ngày. Bạn nên uống từ 1,5-2 lít nước bao gồm nước lọc, trà thảo dược, nước ép rau xanh, trái cây tươi nguyên nhất... có thể uống bổ sung thêm nước oresol để bù đắp nước tối ưu, nước chanh tươi ấm với mật ong để không ngừng nâng cao sức đề kháng nữa nhé.

- Tập thể dục phù hợp như đi bộ, chạy bộ, thể dục tay không, bài tập dưỡng sinh để tập luyện đều đặn ít nhất 20 phút/ngày kết hợp hít thở sâu. Tuyệt đối không nên lựa chọn những bài tập quá sức, những bài tập nặng sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.

- Giữ vệ sinh không gian ở, sinh hoạt của người cao tuổi luôn cần sạch sẽ, thoáng mát, tránh nơi gió lùa...

- Nên nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, đỉ ngủ đúng giờ, đủ giấc và không nên suy nghĩ miên man làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Đồng thời, người cao tuổi cần tạo cho mình một cuộc sống vui vẻ, thoải mái, thường xuyên nghe nhạc, nghe đài, xem phim hài, tham gia các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi để vui sống mỗi ngày. Trạng thái tinh thần có tác động rất lớn đến sức khỏe và giúp phòng bệnh mùa hè cho người cao tuổi tốt hơn rất nhiều.

Bình luận