Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Tổng hợp 10 cây thuốc nam trị sỏi thận hiệu quả

(VOH) - Sỏi thận là bệnh phổ biến hiện nay. Thay vì dùng thuốc Tây, nhiều người lại ưu tiên lựa chọn thuốc nam để chữa trị vì nó đơn giản, ít tốn kém. Vậy thuốc nam trị sỏi thận bao gồm những cây nào?

1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản,…thành những tinh thể rắn, thường gặp nhất là tinh thể canxi. 

Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao. Khi có một trong hai hoặc cả hai yếu tố trên kéo dài trong nhiều ngày sẽ có nguy cơ hình thành sỏi thận.

tong-hop-10-cay-thuoc-nam-tri-soi-than-hieu-qua-voh-1

Sỏi thận là bệnh phổ biến (Nguồn: Internet)

Người bị sỏi thận thường có triệu chứng đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới, đau khi đi tiểu, tiểu dắt, tiểu són, tiểu ra máu, hay sốt và có cảm giác ớn lạnh,…

Nếu sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu. Tuy nhiên, với những viên sỏi lớn, khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang…sẽ gây cọ xát dẫn đến tổn thương, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu, từ đó gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, khi có dấu hiệu của bệnh sỏi thận thì bạn nên đi khám để điều trị dễ dàng vì ban đầu kích thước sỏi thận thường khá nhỏ. 

Đối với những viên sỏi có kích thước nhỏ, chưa gây biến chứng thì thuốc nam là một lựa chọn hiệu quả và an toàn. Vậy thuốc nam trị sỏi thận gồm những loại nào?

2. Những cây thuốc nam trị sỏi thận

Dưới đây là một số cây thuốc nam chữa sỏi thận theo dân gian, dễ dàng áp dụng tại nhà:

2.1 Kim tiền thảo trị sỏi thận

Theo nghiên cứu tại Đại học Kumamoto, Nhật Bản cho thấy, kim tiền thảo có tác dụng lợi tiểu, tăng lượng nước tiểu để bào mòn sỏi theo cơ chế tự nhiên. Ngoài ra, nó còn giúp kiềm hóa nước tiểu, giảm đau chống viêm, giúp hòa tan, ngăn ngừa lắng đọng sỏi.

Cách dùng: 

Dùng khoảng 25 – 40g lá kim tiền thảo sắc nước uống hàng ngày hoặc kết hợp cùng các thảo dược như râu mèo, xa tiền tử…để có hiệu quả tối ưu.

Lưu ý: Kim tiền thảo không có tác dụng rõ ràng với sỏi có cấu trúc oxalat canxi mà hiệu quả rõ hơn với sỏi có cấu trúc urate. Do đó, trước khi dùng kim tiền thảo trị sỏi thận, bạn cần được chẩn đoán, chẳng hạn như qua phân tích nước tiểu để biết mắc loại sỏi nào.

2.2 Chữa sỏi thận bằng đu đủ xanh

Đu đủ có vị ngọt, tính mát có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, kiện tỳ, nhuận tràng, giúp làm tan sỏi thận với những viên sỏi có kích thước nhỏ. 

Cách dùng: 

Để loại trừ sỏi thận, bạn chọn quả đu đủ không quá non nhưng không quá già, còn nhiều nhựa, nặng khoảng 400 – 600g, để nguyên vỏ xanh, đem rửa sạch, cắt bỏ đầu và đuôi, nạo bỏ ruột và hạt. Để nguyên cả vỏ xanh và nhựa đặt vào nồi hấp cách thủy khoảng 30 phút cho đu đủ chín, cho thêm ít muối vào đu đủ cho dễ ăn. 

Bạn nên dùng bài thuốc này sau bữa ăn để không ảnh hưởng đến dạ dày, mỗi ngày ăn 1 quả đến khi sỏi thận tan.

2.3 Chuối hột trị sỏi thận 

Chuối hột có tác dụng lợi tiểu, giúp bào mòn sỏi và các khoáng chất trong đường tiết niệu. 

Cách dùng:

  • Để làm tan sỏi thận, bạn phơi khô chuối hột già, sau đó đem rang cháy và nghiền thành bột mịn. Hằng ngày pha 1 muỗng cà phê bột này để uống, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày, dùng liên tục trong 10 – 20 ngày.
  • Dùng 7 quả chuối hột già còn xanh (để cả vỏ), thái mỏng, phơi khô, sao vàng. Sau đó cho vào ấm, đổ nước sôi vào và hãm như hãm trà. Ngày uống 3 – 4 ấm. 

2.4 Rau ngổ ( rau om ) chữa sỏi thận

Rau ngổ chữa sỏi thận được là nhờ nó có tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận. Vì thế, nó làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận bị tống ra ngoài.

Cách dùng:

  • Lấy khoảng 50g rau ngổ tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, pha thêm ít muối để uống. Mỗi ngày uống 2 lần, dùng khoảng 5 – 7 ngày sẽ thấy hiệu quả. 
  • Dùng rau ngổ tươi, rửa sạch, phơi khô. Mỗi lần uống, lấy rau ngổ khô liều ít, sắc nước uống. 

Ngoài ra, người bệnh sỏi thận cũng có thể dùng rau ngổ nấu canh chua, xào thịt bò, làm rau sống ăn kèm với phở, hủ tiếu,…để có thể dùng rau ngổ thường xuyên hơn.

tong-hop-10-cay-thuoc-nam-tri-soi-than-hieu-qua-voh-2

Có thể chữa sỏi thận bằng thuốc nam (Nguồn: Internet)

2.5 Rau mùi tàu chữa sỏi thận

Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), mùi tàu là một vị thuốc lợi tiểu và điều kinh rất tốt. Để chữa sỏi thận bằng mùi tàu, người ta chủ yếu sử dụng lá và rễ vì bộ phận này chứa nhiều apiozit có tác dụng lợi tiểu mạnh, giúp người bệnh sỏi thận nhanh chóng loại bỏ sỏi qua đường tiểu.

Cách dùng:

Theo lương y Hồng Minh, để chữa sỏi thận bằng rau mùi tàu hiệu quả bạn nên sử dụng rễ và lá phối hợp với kim tiền thảo, râu mã đề, bạch vĩ, bột hoạt thạch, cây chó đẻ, hải kim sa. Đem các vị thuốc này sắc nước uống mỗi ngày.

2.6 Chữa sỏi thận bằng quả dứa (trái khóm, trái thơm)

Quả dứa có tác dụng lợi tiểu, giúp đào thải các cặn lắng trong đường tiết niệu.

Cách dùng:

Theo lương y Vũ Quốc Trung, để chữa sỏi thận bằng quả dứa có thể thực hiện theo cách sau: Lấy một quả dứa gọt sạch vỏ. Cắt rời phần trên đầu quả dứa làm nắp đậy. Khoét một lỗ sâu tầm 3cm và cho vào đó 0,3g phèn chua. Đậy nắp dứa lại, dùng tăm gài chặt và bỏ dứa vào lò nướng tầm 30 phút. Ép quả dứa nướng ra nước và chia thành hai cốc. Tối đi ngủ uống 1 cốc để cho sỏi thận và bàng quang mềm ra. Sáng dậy uống cốc còn lại để cho sỏi vỡ ra, rồi chúng theo nước tiểu ra ngoài.

2.7 Cỏ nhọ nồi

Theo nghiên cứu tại Ấn Độ, nhọ nồi giúp lợi tiểu, giảm đau, chống viêm, cầm máu để giảm bớt các triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu trong bệnh sỏi thận. 

Cách dùng:

Cách trị sỏi thận từ cỏ nhọ nồi là giã nát cả cây, lọc lấy nước uống hoặc đem phơi khô, sao vàng để sắc nước uống.

2.8 Dùng cây râu mèo

Theo kết quả nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Chiết Giang và Trường Khoa học dược phẩm Malaysia, cây râu mèo có tác dụng lợi tiểu, tăng bào mòn sỏi, đồng thời giúp giảm nồng độ các khoáng chất như canxi, oxalat, axit uric. Bên cạnh đó, cây râu mèo còn có tính kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả.

Cách dùng:

Để chữa sỏi thận bằng cây râu mèo, bạn dùng 30 – 50g râu mèo đun sôi với 500ml nước lọc, chia làm 2 – 3 lần uống. Uống nước này trước bữa ăn 15 – 30 phút trong khoảng 8 ngày, sau đó ngưng 2 – 4 ngày và lặp lại liệu trình này.

2.9 Râu ngô (râu bắp)

Râu ngô có tác dụng lợi tiểu giúp tăng lưu lượng nước tiểu, ngoài ra nó còn giúp cầm máu trong trường hợp sỏi gây trầy xước niêm mạc tiết niệu, giảm các triệu chứng đau rát khi đi tiểu.

Cách dùng:

Để làm tan sỏi thận bạn dùng 10g râu ngô đun với 200ml nước, sau đó chia thành 3 – 4 lần uống/ngày, dùng liên tiếp 10 ngày.

2.10 Cây mã đề

Mã đề là cây thuốc nam chữa sỏi thận hiệu quả nhờ có tác dụng lợi tiểu mạnh, tiêu viêm, tăng lượng nước tiểu để bào mòn dần sỏi, giúp giảm kích thước sỏi…

Cách dùng:

Dùng 16g mã đề, 12g bạch truật, 6g cam thảo, 20g thạch cao đem sắc lấy nước uống. 

3. Lưu ý khi trị sỏi thận bằng thuốc nam

Mặc dù thuốc nam có tác dụng chữa sỏi thận và được sử dụng phổ biến, nhưng khi áp dụng bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Hầu hết các thuốc nam chữa sỏi thận chỉ phù hợp và hiệu quả với những người bị sỏi thận nhẹ, kích thước sỏi thận nhỏ và chức năng của thận vẫn còn hoạt động tốt. Do đó, nếu sử dụng các cây thuốc nam chữa sỏi thận mà không thuyên giảm thì bạn nên đi khám để đánh giá mức độ bệnh, từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
  • Do tình trạng bệnh và kích thước sỏi thận ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau nên hiệu quả của bài thuốc có thể có hoặc không hay chậm hoặc kéo dài. 
  • Các cây thuốc nam chữa sỏi thận thường có hiệu quả chậm hơn thuốc Tây, vì vậy, bạn cần phải kiên trì thực hiện.
  • Bên cạnh việc dùng thuốc nam thì người bệnh cũng cần uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ chức năng thận và ngăn ngừa sỏi tăng kích thước. 

Lưu ý: Những thông tin trên đây về cây thuốc nam chữa sỏi thận chỉ cung cấp kiến thức, mang tính chất tham khảo, người bệnh không nên tự ý áp dụng khi chưa có sự thăm khám hay tư vấn nào của bác sĩ cho trường hợp cụ thể của mình.