Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày 28/12: Ca nhiễm biến thể Omicron ở VN

(VOH) - Những thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và quốc tế trong ngày 28/12.

Đi máy bay từ TPHCM, Cần Thơ không buộc có xét nghiệm âm tính COVID-19

Đó là nội dung đáng chú ý trong quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung về khai thác các đường bay nội địa được Bộ Giao thông vận tải ban hành mới đây.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải quy định từ ngày 27-12, chỉ bắt buộc hành khách đi máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 với các trường hợp: hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 của hành khách trong các trường hợp trên được thực hiện theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong 72 giờ.

Hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, sử dụng ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo; không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...

Như vậy, với quy định trên, hành khách đi máy bay từ các sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng như quy định trước đây.

Đề xuất mở lại karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ tại TPHCM

Trước tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát tốt, Sở Văn hóa - thể thao TPHCM có văn bản đề nghị xem xét, chấp thuận cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ được hoạt động lại.

Bản tin Covid-19 ngày 28/12: Giám sát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 và khả năng nhiễm Omicron 1
Ảnh minh họa: TTO

Các quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng, chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ đảm bảo an toàn phòng chống dịch đã được ban hành.

Ngoài ra, theo Sở Văn hóa - thể thao, số lượng các cơ sở kinh doanh vũ trường trên địa bàn TP không nhiều. Theo kết quả khảo sát, TP có 6 cơ sở nhưng chỉ có 1 cơ sở còn hoạt động.

Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Bộ Y tế vừa thông tin, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

Cụ thể, ngày 19/12/2021, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam.

Khi về đến sân bay Nội Bài, hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính. Hành khách được cách ly tại khu vực nhà lưu trú. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính.

Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này.

Kết quả giải trình tự gen của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529). Đây là trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, là người nhập cảnh đã được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh.

Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 nói chung và khả năng nhiễm biến chủng Omicron nói riêng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng đầy đủ.

Bến Tre: Nỗ lực giảm thấp nhất nguy cơ tử vong ở người mắc Covid-19

Tính đến 6 giờ ngày 28/12, Bến Tre ghi nhận hơn 25.000 ca F0, trong đó có 160 trường hợp tử vong và gần 15.000 bệnh nhân kết thúc điều trị.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương quản lý, bảo vệ người nhóm nguy cơ cao, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19.

Các địa phương phải rà soát, thống kê, lập danh sách quản lý sức khỏe người trên 50 tuổi; thành lập các tổ tiêm vaccine theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn, đảm bảo “không để sót một ai, nhất là người ở nhóm nguy cơ cao”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre yêu cầu đến ngày 31/12, tỉnh hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; chậm nhất trong tháng 1/2022 hoàn thành tiêm vét mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi hoàn thành trong quý I/2022. Ngoài ra, ngành Y tế đảm bảo cung cấp thuốc điều trị cho các cơ sở y tế cũng như F0 điều trị tại nhà; quản lý chặt để tránh tình trạng F0 không tuân thủ quy trình điều trị.

Bình Phước: Lên kế hoạch điều trị 20.000 F0

Hiện nay, Bình Phước xuất hiện nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây, một số ổ dịch chưa khống chế được. Trước tình hình đó, tỉnh đã lên phương án để ứng phó với tình huống có từ 10.000 đến 20.000 ca mắc COVID-19 cần điều trị.

Yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai 5 giải pháp trọng tâm để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chủ động nâng cao năng lực thu dung, điều trị theo mô hình "tháp 3 tầng". Đẩy mạnh quản lý, điều trị người mắc không triệu chứng và mức độ nhẹ tại nhà và tại doanh nghiệp.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, đến ngày 27/12 trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 26.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 10.000 ca đang theo dõi, điều trị. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng 600-700 ca F0.

Phú Yên: Tổ chức tiêm liều bổ sung, nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19

UBND tỉnh Phú Yên ban hành Kế hoạch tổ chức tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian bắt đầu từ tháng 1-2022, tùy theo việc phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế.

Đối tượng tiêm liều bổ sung vắc-xin phòng COVID-19 là người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản. Người được ưu tiên đầu tiên, bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người vừa cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng; Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc-xin của hãng Sinopharm hoặc vắc-xin Spunik V.

Đối với tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Hà Nội: Lên phương án giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19

Trong 8 ngày liên tiếp, từ ngày 19 đến 27-12, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19. Tổng số mắc ghi nhận trong một tuần của thành phố này là hơn 13.700 ca mới, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 1.700 ca mắc.

Trước diễn biến phức tạp số ca mắc tăng mạnh những ngày qua, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm các ca tử vong do Covid-19.

Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, các cơ sở khám chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin Covid-19. Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ. Tất cả bệnh viện được yêu cầu không từ chối việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Hành khách từ các nước có ca nhiễm Omicron đến Hà Nội phải cách ly tập trung

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Hà Nội yêu cầu tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, đặc biệt yêu cầu hành khách nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh Việt Nam; tăng cường việc kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, việc khai báo y tế của hành khách nhập cảnh.

Omicron
Ảnh minh họa.

UBND TP.Hà Nội đề nghị tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Đối với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Đà Nẵng: Tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho người dân

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Đà Nẵng, từ 13 giờ ngày 26/12 đến 13 giờ ngày 27/12, toàn thành phố có 86 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 64 ca có khả năng lây ra cộng đồng. Kể từ ngày 5/12 đến nay, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới ở mức dưới 100 ca/ngày.

Từ ngày 25/12 đến nay, lực lượng y tế Đà Nẵng đã tổ chức tiêm vét mũi 1 tại nhà cho khoảng 900 người dân.

Dự kiến trong ngày hôm nay 28/12, Đà Nẵng sẽ hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 tại nhà cho 100% người cao tuổi và những người không thể đi tiêm.

TÌNH HÌNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI

Úc ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến thể Omicron

Ngày hôm qua 27-12, Úc ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì biến thể Omicron, trong bối cảnh số ca mắc mới theo ngày lần đầu vượt 10.000 ca kể từ đầu dịch.

Theo Hãng tin Reuters, giới chức Úc không thông tin thêm về ca tử vong mắc Omicron nói trên, song cho biết bệnh nhân là một cụ ông 80 tuổi có nhiều bệnh nền, mắc bệnh tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe và qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Sydney, bang New South Wales. Cụ ông này là một trong bảy ca tử vong vì COVID-19 được báo cáo ngày 26-12.

Bản tin Covid-19 ngày 28/12: Giám sát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 và khả năng nhiễm Omicron 3
Ảnh minh họa.

Ngày 27-12, Úc ghi nhận 10.186 ca mắc mới trong 24 giờ trên cả nước, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch, theo Reuters. Hầu hết các ca mắc mới là tại bang New South Wales và Victoria. Dù số ca nhiễm đang tăng nhanh, Chính phủ Úc không có kế hoạch áp đặt các biện pháp phòng dịch mới, sau khi bị buộc phải tạm ngưng kế hoạch mở cửa trở lại ở một số khu vực sau gần 2 năm phong tỏa.

Israel bắt đầu thử nghiệm tiêm mũi vaccine thứ tư

Một bệnh viện lớn ở Thủ đô Tel Aviv của Israel hôm nay bắt đầu tiêm thử nghiệm mũi vaccine thứ tư cho 150 nhân viên bệnh viện. Cuộc thử nghiệm này nhằm xác định liệu có cần thiết tiêm mũi tăng cường thứ hai trên toàn quốc hay không.

Những người tham gia tiêm thử nghiệm đã từng tiêm mũi tăng cường đầu tiên trước ngày 20/8. Các nhà khoa học sẽ xem xét tác động của mũi tiêm thứ tư xét về nồng độ kháng thể để từ đó đưa ra đánh giá về độ an toàn của mũi tiêm tăng cường thứ hai cũng như giúp các nhà hoạch định chính sách nước này đề ra chính sách y tế.

Trước đó, Ủy ban các chuyên gia của Bộ Y tế Israel đã khuyến nghị tiêm mũi thứ tư sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho những người từ 60 tuổi trở lên, những người đã tiêm mũi tăng cường đầu tiên ít nhất là 4 tháng trước. Tuy nhiên, việc phê duyệt cuối cùng đối với mũi tiêm tăng cường thứ hai này vẫn chưa được thực hiện do dư luận cho rằng chưa có đủ thông tin khoa học để ủng hộ cho việc tiêm mũi vaccine này.

Cơ quan an toàn dược phẩm Hàn Quốc ngày hôm nay đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc kháng virus Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer để điều trị COVID-19. Paxlovid được dùng để điều trị các triệu chứng nhẹ và vừa ở bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh nguy cơ nhập viện và tử vong đang gia tăng.

Đây là liệu pháp kháng virus dựa trên nguyên lý kiềm chế enzyme, chuyên dùng bằng đường uống và sử dụng vào lúc có dấu hiệu nhiễm đầu tiên hoặc khi có cảnh báo phơi nhiễm.

Phía Hàn Quốc cho biết, kết quả thử nghiệm cho thấy Paxlovid giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong ở các bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh nặng. Loại thuốc này được khuyến nghị dùng cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi, có nguy cơ cao diễn biến nặng. Paxlovid nên được uống trong vòng 5 ngày sau khi có chẩn đoán nhiễm và dùng với liều 2 viên/ngày trong 5 ngày. 

Một số mẹo để các F0 điều trị tại nhà cải thiện chứng mất vị giác

Chế độ dinh dưỡng tốt, lành mạnh là điều cần thiết để chống lại tác hại của virus, giúp các F0 điều trị tại nhà nhanh hồi phục và tăng khả năng miễn dịch. Dưới đây là một số mẹo và các loại thực phẩm, người nhiễm COVID-19 nên thêm vào chế độ ăn uống của mình.

Theo các chuyên gia, khả năng miễn dịch của con người giúp cơ thể của chúng ta chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus. Một phản ứng miễn dịch cân bằng là rất quan trọng để ngăn chặn những bệnh nhiễm trùng này và phục hồi sức khỏe. Trong đa số các trường hợp nhiễm virus trở nên nghiêm trọng có thể do thiếu phản ứng miễn dịch. Do đó, các thực hành và lựa chọn thực phẩm đúng có thể giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch cân bằng.

1. Các mẹo đơn giản để các F0 điều trị tại nhà tham khảo

Như với hầu hết các loại virus, điều quan trọng là phải luôn đủ nước nếu bạn nhiễm COVID-19. Ngay cả khi bạn không thể ăn nhiều thì việc cung cấp nước cho cơ thể là cực kỳ quan trọng. Bổ sung nước cho cơ thể, uống khoảng 3 lít nước, tốt nhất là nước ấm, có thể pha với những lát gừng mỏng.

Cố gắng tránh ngủ ở tư thế nằm ngửa vì nó có thể làm tăng nguy cơ nghẹt ngực. Nên ngủ ở tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng.

Nhai 3 đến 5 quả nho khô 3 đến 4 lần một ngày có thể cải thiện tiêu hóa và giúp cải thiện vị giác của bạn.

Luôn cố gắng ăn những bữa ăn nhẹ và dễ tiêu hóa, thêm chút gia vị bột quế hay bột nghệ để có thể hấp thụ nhanh chóng.

Ngậm một miếng trái cây, đặc biệt là lựu, cam hoặc táo sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng. Các thực phẩm tham khảo tốt cho bữa ăn như: đùi gà, tỏi, củ dền, cần tây, bí xanh, dưa chuột...

Hãy duy trì ăn các món ăn ấm nóng. Tránh thức ăn lạnh, thức ăn quá ngọt, cay, chua và mặn trong thời gian nhiễm trùng đang hoạt động. Hãy thử ăn điều độ tất cả các vị trong bữa ăn.

2. Tăng lượng protein

Protein giúp xây dựng cơ bắp và sửa chữa tổn thương tế bào, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bạn. Lý do các chuyên gia đề nghị tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu protein là vì nó giúp chữa lành các tổn thương tế bào do COVID-19 gây ra.

Thêm thực phẩm giàu protein như cá, thịt nạc, chuối, các loại hạt và hạt, các loại đậu và đậu vào chế độ ăn uống của bạn trong hoặc sau COVID-19 sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng đã mất. Những thực phẩm giàu protein này cũng là một nguồn cung cấp axit béo omega 3 tuyệt vời giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất và cải thiện sức khỏe đường ruột.

3. Bổ sung các chất dinh dưỡng giàu calo

Nếu bạn đang bị COVID-19 và đang trên đà phục hồi, bạn cần bổ sung một số thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp phục hồi sức khỏe suy kiệt của bạn và tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.

Sự thiếu hụt calo lành mạnh trong giai đoạn này có thể làm chậm tốc độ hồi phục của bạn. Vì vậy, điều cần thiết là phải bao gồm các loại thực phẩm giàu calo như các loại hạt, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Trên thực tế, trái cây khô và các loại hạt giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

4. Vitamin rất cần thiết

Tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn luôn là một điều tốt, vì vậy một số loại thực phẩm nhất định sẽ giúp ích cho việc đó. Các chất dinh dưỡng cụ thể trong rau và trái cây tươi có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn như: Beta-carotene, Vitamin C, Vitamin E, Kẽm…

Bổ sung trái cây tươi và rau giàu vitamin và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể để chống lại sự tấn công của virus gây bệnh COVID-19. Việc bổ sung Vitamin C và các loại trái cây giàu vitamin tổng hợp như cam, xoài, dứa, chanh giúp phục hồi các chất dinh dưỡng đã mất, cung cấp nước cho cơ thể và hỗ trợ tăng cường hệ hô hấp.

Bình luận