Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ung thư tá tràng: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

(VOH) - Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh ung thư các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, trực tràng hay tá tràng.. đang càng ngày càng trẻ hóa. Trước đây, ung thư tá tràng vốn là bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên thời gian gần đây số lượng bệnh nhân mắc bệnh này đang có biểu hiện tăng lên.

Vẫn chưa có cơ sở để chứng minh nguyên nhân cụ thể gây ra căn bệnh ung thư các các cơ quan của hệ tiêu hóa.

Tuy nhiên, giống như hầu hết các loại ung thư khác, ung thư đường tiêu hóa là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như: gene di truyền, tuổi tác, lối sống, chế độ dinh dưỡng... và nguyên nhân chủ yếu là ở chế độ ăn uống.

Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý, ăn mặn, hút thuốc và ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều hóa chất nitrosamines có thể gây ra suy thoái tế bào biểu mô dạ dày. Một chế độ ăn nhiều thịt động vật và mỡ có liên quan tới ung thư đại trực tràng.

Hút thuốc liên quan mạnh mẽ tới ung thư thực quản, dạ dày và tụy... Ngoài ra, stress thường xuyên cũng là một điều kiện tốt để hình thành các tế bào ác tính trong cơ quan tiêu hóa.

ung thư tá tràng nguyên nhân và cách chữa trị

Ung thư đường tiêu hóa là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố nhưng nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn

Tá tràng - Ung thư tá tràng là gì ?

Tá tràng là phần đầu của ruột non, kéo dài từ cuối của dạ dày đến phần đầu ruột non. Tá tràng là thành phần quan trọng trong hệ tiêu hóa vì đây là nơi thức ăn được trộn với dịch tụy và dịch mật để thực hiện quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Trước đây, ung thư tá tràng là một trong những loại ung thư hiếm gặp liên quan đến hệ thống tiêu hóa, trong nhóm u ruột non, ung thư tá tràng chỉ chiếm 1-1,6%. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn trong việc tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho căn bệnh này, nhất là thời điểm hiện tại do không có nhiều thông tin như các loại ung thư phổ biến khác.

Triệu chứng thường gặp khi mắc ung thư tá tràng:

Khi bệnh nhân mắc ung thư tá tràng, thường thấy khó chịu ở vùng bụng trên hoặc đau âm ỉ, sau khi ăn cơn đau vẫn không dứt, hơn nữa cơn đau kéo dài ra cả phía sau. Bệnh nhân thậm chí còn có hiện tượng chán ăn, buồn nôn và nôn, thể trạng kém đi, hơn nữa còn xuất hiện hiện tượng sốt và thiếu máu. Đường tiêu hóa của bệnh nhân có thể xuất hiện xuất huyết mãn tính lượng nhỏ trong thời gian dài hoặc chảy máu liên tục, như đại tiện ra máu hoặc phân đen. Khi khối u phát triển hoặc xâm lấn tới các mô xung quanh, một số bệnh nhân có thể sờ thấy khối u ở góc phần tư bên phải phía trên.

Xét nghiệm ung thư tá tràng:

Biểu hiện lâm sàng của ung thư tá tràng thường không rõ ràng, không có đặc trưng. Ung thư tá tràng thường chỉ có thể chẩn đoán được khi ở giai đoạn muộn, vì lúc đó khối u mới phát triển to đủ để chèn lên các cơ quan tiêu hóa hoặc gây ra tình trạng tắc ruột.

Để phát hiện u tá tràng chỉ với X-quang và nội soi không đủ để có thể chẩn đoán. Các phương pháp thường dùng trong việc chẩn đoán ung thư tá tràng là: chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp ảnh với thuốc cản quang, nội soi và sinh thiết.

nội soi ung thư tá tràng

Hình ảnh nội soi một khối tổn thương trên thành đại trực tràng.

Phương pháp điều trị:

- Phẫu thuật: là phương pháp được lựa chọn đầu tiên để điều trị ung thư tá tràng. Có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật dựa vào vị trí khối u và bệnh tình của bệnh nhân, trong đó bao gồm: cắt bỏ tá tràng đầu tuỵ, cắt bỏ đường tá tràng theo từng đoạn, cắt bỏ cục bộ khối u và cắt bỏ đa số dạ dày. Tuy nhiên giải pháp này thường sót lại tế bào ung thư, dễ gây tái phát.

- Xạ trị và hoá trị: không có hiệu quả rõ rệt trong điều trị ung thư tá tràng, nhưng hoá trị có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Phương pháp xạ trị và hoá trị có thể sử dụng kết hợp với trong hoặc sau phẫu thuật, giúp nâng cao tỷ lệ loại bỏ tế bào ung thư và làm giảm khả năng tái phát. Nhưng trong quá trình điều trị sẽ có một số tác dụng phụ không mong muốn như suy kiệt cơ thể, rụng tóc, sạm da, suy thận....

Dinh dưỡng nào cho bệnh nhân ung thư ?

Với người bị khối u ở cơ quan tiên hóa như đại tràng, tá tràng, ruột, dạ dày... cần tránh những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi như đậu nấu tái, quá nhiều rau bắp cải, gia vị cay như ớt, hạt tiêu. Ngoài ra, cảm giác no sớm cũng là một dấu hiệu của chứng chán ăn ở bệnh nhân ung thư. Nếu người bệnh chỉ ăn được ít, nên chia nhỏ bữa ăn, thay vì ăn ngày 3 bữa, có thể chia nhỏ thành 4 - 6 bữa và tăng năng lượng của mỗi bữa ăn (nhiều đạm hơn), hạn chế mỡ (vì gây đầy bụng), tránh món ăn mùi, vị quá nhiều.

Nên áp dụng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, vitamin và tránh các thức ăn có thể gây đầy hơi

Theo GS. BS Nguyễn Chấn Hùng (nguyên Giám đốc bệnh viện Ung bướu TPHCM), một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao.... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư, chứ không phải là "cung cấp thêm chất đạm cho khối u" như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Phòng tránh dịch bệnh tay chân miệng: bệnh biểu hiện như thế nào? Cách phòng bệnh ra sao? Mời đọc giả đọc các bài viết sau: 

>>>> Chuyên đề Bệnh tay chân miệng-Phần 5: 3 chú ý để chăm sóc trẻ mắc bệnh

>>>> Chuyên đề Bệnh tay chân miệng-Phần 4: 5 lý do khiến bệnh nguy hiểm

>>>> Chuyên đề Bệnh tay chân miệng-Phần 3: Có nên điều trị tại nhà

Bình luận