Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí BMC Medicine ngày 08/11, cho biết, việc uống sữa bò thông thường có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim thiếu máu cục bộ (IHD), một tình trạng có thể dẫn đến các cơn đau tim, và nguy cơ này cũng tăng lên cùng với lượng sữa tiêu thụ mỗi ngày.
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, đã xác định rằng, nguy cơ phụ nữ mắc bệnh tim tăng lên nếu họ tiêu thụ sữa từ động vật, trong khi sức khỏe tim mạch của nam giới lại không bị ảnh hưởng theo cách tương tự.

Dựa trên dữ liệu từ khoảng 60.000 phụ nữ và 40.000 nam giới, nghiên cứu cho thấy, phụ nữ uống 400 ml sữa mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim tăng 5%.
Khi tăng lượng sữa tiêu thụ mỗi ngày lên 600 ml, nguy cơ tăng lên 12%, và nếu uống đến 800 ml sữa mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh tim tăng đến 21%.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, lactose trong sữa có thể gây viêm, từ đó gây tổn thương cho tim.
Những người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ có các động mạch tim bị thu hẹp, hạn chế lưu lượng máu và oxy đến tim, có thể gây ra đau ngực và trong trường hợp nặng dẫn đến cơn đau tim.
Giáo sư Karl Michaëlsson, tác giả nghiên cứu tại Đại học Uppsala, cho biết, chế độ ăn lành mạnh là yếu tố quan trọng để phòng ngừa bệnh tim mạch.
Phân tích của ông chỉ ra rằng, phụ nữ tiêu thụ hơn 300 ml sữa mỗi ngày có nguy cơ cao mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ và nhồi máu cơ tim, trong khi nam giới không bị ảnh hưởng.
Ông Michaëlsson cho biết thêm rằng, nguy cơ cao hơn ở phụ nữ không phụ thuộc vào hàm lượng chất béo trong sữa, vì vậy việc thay thế sữa không lên men bằng sữa lên men ở mức độ vừa phải có thể giúp làm giảm nguy cơ.
Lượng sữa tiêu thụ tại Mỹ đã giảm kể từ thập niên 1940. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trung bình người Mỹ chỉ uống khoảng 79,2 ml mỗi ngày trong giai đoạn từ 2017 đến 2018.