Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp nhưng khó chữa, vì sao?

Một trong những bệnh “thời công nghiệp” chính là bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Điều đáng quan tâm là bệnh này tuy khá phổ biến nhưng lại khó chữa, dễ tái phát, và có nguy cơ tiến triển thành ung thư.

Tại sao lại là bệnh phổ biến?

TS Quách Trọng Đức- Tổng thư ký hội Khoa học Tiêu hóa- Giảng viên trường Đại Học Y Dược cho biết 80 – 90% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) và thuốc kháng viên giảm đau. HP là một chủng vi khuẩn sống được trong môi trường dạ dày. Vi khuẩn này chủ yếu lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất phân hoặc cũng có thể lây lan qua nước không được xử lý. Bên cạnh đó, có một nhóm bệnh lý khác, người bệnh vẫn có những triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng nhưng các xét nghiệm y khoa không nhìn thấy hiện tượng viêm, được gọi là rối loạn tiêu hóa chức năng. 

Nhận biết bệnh và các biến chứng nguy hiểm

Triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường gặp đầu tiên là chứng đau bụng, ợ hơi, ợ chua. Người bị viêm loét dạ dày tá tràng thường có cảm giác ăn nhanh no (khiến nhiều người lầm tưởng dạ dày bị teo nhỏ), giảm cân.

Một trong những quan tâm hàng đầu của người bị viêm loét dạ dày tá tràng là các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Khi ổ loét tế bào sâu ăn vào mạch máu lớn làm chảy máu dạ dày, gây tình trạng ói ra máu, đi ngoài ra máu. Còn khi thành dạ dày tá tràng bị vi khuẩn ăn sâu, bệnh nhân có thể bị thủng dạ dày tá tràng. Ít gặp hơn là trường hợp không bị xuất huyết, không bị thủng dạ dày nhưng những vết loét trong dạ dày khi thành sẹo cản trở đường thức ăn xuống ruột non khiến người bệnh không tiêu hóa được thức ăn, giảm cân nhanh. Và có khoảng 1% người bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP tiến triển thành ung thư dạ dày.

Triệu chứng của viêm loét dạ dày thường bắt đầu bằng những cơn đau bụng, ợ hơi, ợ chua - Ảnh minh họa - Nguồn: Vietnamnet

Bệnh khó chữa, dễ tái phát – vì sao ?

TS Quách Trọng Đức lưu ý triệu chứng của bệnh có thể tái đi tái lại nếu người bệnh không điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt, bị stress... Hiện nay, xét nghiệm chính xác nhất để phát hiện vi khuẩn HP là xét nghiệm hơi thở và nội soi dạ dày.

Một trong những lý do khiến việc điều trị bệnh tận gốc khó khăn chính là tình trạng kháng thuốc. Đại đa số các trường hợp bị viêm loét dạ dày tá tràng đều được bác sĩ chuyên khoa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Nhưng tình trạng người bệnh tự ý mua thuốc kháng sinh tự điều trị đã khiến vi khuẩn dễ lờn thuốc. Dẫn giải cho điều này, TS Quách Trọng Đức cho biết, nếu như cách đây 10 năm, với phác đồ điều trị chỉ cần sự phối hợp của 2 kháng sinh và một loại thuốc giảm tiết acid dạ dày có thể tiệt trừ 90% trường hợp bị nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên đến gần đây, khảo sát cả ở 3 miền trong cả nước, với phác đồ tương tự chỉ thành công 60% trường hợp.

Cách phòng ngừa viêm loét dạ dày, tá tràng:

Có chế độ ăn uống hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Không ăn nhiều chất kích thích quá chua, quá cay, quá nóng.

Không uống rượu, không hút thuốc lá.

Không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng viêm giảm đau khi không có chỉ định của bác sĩ.

Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng thần kinh, không ăn khi quá mệt mỏi và căng thẳng.

Khi thấy các triệu chứng: đau bụng kéo dài, chán ăn, người mệt mỏi, xanh xao, sụt cân, thiếu máu, tiêu phân đen, ói máu... bệnh nhân cần đến bệnh viện để được các bác sĩ khám và điều trị.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để việc điều trị đạt kết quả tốt nhất.

Chương trình “Thầy thuốc của bạn” được phát trực tiếp trên sóng FM 99.9MHz vào lúc 12g30 – 13g00 ngày chủ nhật hàng tuần và phát lại lúc 7g00 – 7h30 ngày thứ tư tuần sau đó. Đường dây nóng trong thời gian trực tiếp chương trình: 08 3822 3285.
Bình luận