Tiêu điểm: Nhân Humanity

WHO: Tiêm vắc-xin Covid-19 tại Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến từ giữa đến cuối năm 2021

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới ngày 17/12 cho biết các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không được đảm bảo tiếp nhận vắc-xin COVID-19 sớm và hối thúc WHO chấp thuận một cách tiếp cận dài hạn.

“Việc phát triển vắc-xin an toàn và hiệu quả là một chuyện. Việc sản xuất chúng với số lượng thích hợp và tiếp cận được tất cả những người cần chúng là chuyện khác “, Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Takeshi Kasai nói với các phóng viên tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

Vắc-xin COVID-19 tại Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ đến vào khoảng giữa đến cuối năm 2021. Ảnh: AP.

Trong khi một số nước đã có thỏa thuận mua vắc-xin riêng biệt có thể bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa trong một vài tháng tới, các nước khác có thể tiến hành tiêm chủng bắt đầu từ giữa năm hoặc cuối năm 2021, theo Tiến sĩ Socorro Escalante, điều phối viên của WHO về các loại thuốc và công nghệ y tế thiết yếu.

Escalante nói rằng điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây rằng hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương là thành viên của cơ chế COVAX. “Với COVAX, chúng ta kỳ vọng vắc-xin sẽ đến vào quý II của năm 2021.”

Dự án COVAX được thành lập bởi WHO, là liên minh vắc-xin giữa GAVI và CEPI, một liên minh toàn cầu chống lại dịch bệnh, với nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc-xin trên toàn thế giới.

Đại diện của WHO cũng khuyến cáo rằng các nhóm nguy cơ cao nên được ưu tiên tiêm chủng vì vắc-xin sẽ chỉ được cung cấp với số lượng hạn chế.

Cơ quan y tế cảnh báo rằng việc tiêm chủng hàng loạt sẽ không ngăn chặn được virus và các chính phủ cần áp dụng tư duy và cách tiếp cận lâu dài khi phát hiện trường hợp nhiễm mới, bao gồm tăng cường xét nghiệm, truy tìm các ca tiếp xúc và các biện pháp kiểm dịch.

Giám đốc Khẩn cấp của khu vực của WHO Babatunde Olowuke kêu gọi mọi người tiếp tục các biện pháp ứng phó để đảm bảo các biện pháp được thực hiện một cách nhất quán. Olowokure cũng kêu gọi tầng lớp người trẻ, là nhóm với số ca mắc mới đang tăng lên trong khu vực, tuân thủ giãn cách xã hội và các biện pháp khác.

Khu vực Tây Thái Bình Dương thuộc WHO là nơi sinh sống của 1,9 tỷ dân thuộc 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính trên toàn cầu, SARS-CoV-2 đã lây nhiễm trong hơn 74 triệu người và làm chết hơn 1,6 triệu. Hơn 41,9 triệu người đã được chữa khỏi.

Bình luận