Tiêu điểm: Nhân Humanity

Liệu chụp nhiều ảnh “tự sướng” có làm bạn hạnh phúc hơn?  

(VOH) - Bạn muốn trở nên vui vẻ hơn? Hãy giơ điện thoại lên cao, chọn góc mặt đẹp nhất và nhấp - bởi vì dựa theo một báo cáo mới đây, chụp ảnh “tự sướng” (selfie) làm bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Ảnh minh họa: internet

Google ước tính rằng, trong năm 2014, ít nhất là 93 triệu bức ảnh “tự sướng” đã được đăng trong một ngày chỉ tính riêng trên các điện thoại Android.

Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết. hơn 91% thanh thiếu niên đã đăng tải một bức ảnh tự chụp chân dung lên mạng.

Chẳng vui mà còn có biểu hiện bị bệnh?

Tuy nhiên, việc chụp ảnh selfie mọi lúc, mọi nơi thường làm cho những người trên 40 tuổi cảm thấy rất khó chịu. Việc chụp ảnh selfie và gây ra những kết cục đáng tiếc được đưa tin ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông. Năm ngoái, toàn thế giới có nhiều người chết trong khi chụp ảnh selfie hơn là chết vì các cuộc tấn công của cá mập - chủ yếu là do té, ngã, bị tông bởi các loại phương tiện giao thông và thậm chí bị con bò húc.

Chụp ảnh “tự sướng” nhiều cũng có liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Năm 2014, một nghiên cứu từ Đại học bang Ohio cho thấy rằng, những người đàn ông đăng nhiều ảnh selfie lên mạng xã hội nhất đã ghi điểm cao nhất trên bảng câu hỏi đánh giá tình trạng tự luyến và dấu hiệu tâm thần.

Một bài xã luận của Tiến sĩ Pankaj Shah trên Tạp chí Quốc tế về Sức khỏe Tâm thần và Khả năng Phục hồi của Con người cũng lập luận rằng, việc chụp ảnh selfie là gây nghiện và việc dành nhiều hơn 5 phút trên một bức ảnh tự chụp hoặc chụp nhiều hơn 3 đến 5 tấm một ngày có thể được "xem là một căn bệnh”.

Vì vậy, khi một báo cáo tin tức giả nhằm đánh lừa tuyên bố rằng, Selfitis là một vấn đề sức khỏe tâm thần mới được Hiệp hội Tâm thần Mỹ định nghĩa là "mong muốn một cách ám ảnh và cưỡng bách để có hình ảnh chính mình và chia sẻ lên mạng xã hội" thì nhiều người tin vào tin tức đó.

Chụp ảnh selfie được cho là có liên quan đến mặc cảm ngoại hình (BDD - bị ám ảnh về những khiếm khuyết có thể nhìn thấy về hình thể). Nhưng theo tiến sĩ David Veale, một nhà tư vấn tâm lý tại Quỹ tín nhiệm Dịch vụ Y tế Quốc gia Nam London và Maudsley (South London and Maudsley NHS Trust) giải thích: "Một số người mắc BDD xem việc chụp ảnh “tự sướng” như là một cách để tự kiểm tra ngoại hình của họ - để xem họ có đang xấu xí như họ cảm thấy hay không. Chúng được chụp riêng lẻ và họ có thể lưu trữ hàng trăm hoặc hàng ngàn hình ảnh trên điện thoại của họ mà không được chia sẻ với bất cứ ai. Chụp ảnh selfie ở những người không mắc BDD thì không phải là bệnh lý”.

Nhưng, chụp ảnh “tự sướng” có thực sự làm cho chúng ta hạnh phúc? Tất cả chúng ta có nên bắt đầu chụp?

Giải pháp

Bài nghiên cứu cho thấy, chụp selfie có thể mang lại hạnh phúc là một nghiên cứu có quy mô tương đối nhỏ. Bài nghiên cứu yêu cầu 14 sinh viên mỉm cười (bất kể họ cảm thấy như thế nào) và tự chụp ảnh của chính họ 3 lần/ngày trong vòng 3 tuần. Những bức ảnh được lưu giữ trên một ứng dụng Android và chỉ được xem bởi các sinh viên và các nhà nghiên cứu. Không có bức ảnh nào đã được đăng trên mạng xã hội, nhưng khi các sinh viên nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của mình, tâm trạng của họ được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, Yu Chen, tác giả chính của nghiên cứu, kiên quyết cho rằng, họ không nói chụp ảnh selfie đã làm các bạn sinh viên hạnh phúc.

“Không phải do những tấm ảnh “tự sướng” đã làm cho bạn vui vẻ," Chen nói, "Mà chính nụ cười là thứ làm bạn cảm thấy hạnh phúc".

 

Bình luận