Đám cháy rừng tại Hy Lạp bùng phát từ ngày 19/8 do thời tiết nắng nóng kèm gió mạnh. Lửa nhanh chóng lan rộng khắp vùng Evros, đông bắc Hy Lạp, và khu vực gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, buộc một số ngôi làng phải sơ tán.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Copernicus của EU nói rằng thảm họa tàn phá ít nhất 808,7 km2, lớn hơn diện tích thành phố New York (Mỹ), 778,2 km2.
Cho đến nay, đã có ít nhất 20 người thiệt mạng, trong đó có 18 người di cư gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Hy Lạp lo ngại nguy cơ thiệt hại về người gia tăng vì có thể nhiều người tị nạn đang mắc kẹt tại khu vực xảy ra hỏa hoạn.
Ngày 29/8, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá: "Đây là vụ cháy rừng lớn nhất kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu ghi nhận dữ liệu cháy rừng trong hệ thống thông tin kể từ năm 2000".
Giới chức EU, Hy Lạp hiện vẫn chưa thể kiểm soát ngọn lửa. EU đã huy động 1/2 lực lượng chữa cháy trên không của khối, gồm các đội từ 5 quốc gia, triển khai trực thăng, máy bay và 407 lính cứu hỏa mặt đất để đối phó với ngọn lửa.
Panagiota Maragou, trưởng ban bảo tồn Hy Lạp của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), cho biết ít nhất 30% Công viên Quốc gia Rừng Dadia, nơi cư trú của nhiều loài chim săn mồi, đã bị hủy diệt.
Cháy rừng trong mùa hè thường xuyên xảy ra ở Hy Lạp. Tuy nhiên, năm nay, cháy rừng đã và đang xảy ra với quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn. Chính phủ nước này cho rằng những điều kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra khiến cháy rừng trở nên tồi tệ và gây thiệt hại lớn hơn.
Hàng ngàn người đã phải rời bỏ nhà cửa trên khắp Hy Lạp khi các đám cháy rừng bùng phát khắp đất nước trong đợt cháy rừng lớn thứ hai của mùa hè này.
Vào tháng 7, khoảng 20.000 du khách nước ngoài đã phải sơ tán khỏi đảo Rhodes (Hy Lạp), nơi một trận cháy rừng đã thiêu rụi các khu nghỉ dưỡng và khách sạn.