Chờ...

74% người Nga phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

VOH - Cuộc thăm dò do hãng truyền thông RTVI và cơ quan thăm dò dư luận Nga thực hiện mới đây cho thấy, đa số người Nga phản đối ý tưởng Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine.

Gần 3/4 số người được hỏi (74%) nói rằng, lựa chọn răn đe hạt nhân là “không thể chấp nhận được” bất kể tình hình trên chiến trường như thế nào, RTVI đưa tin.

Chỉ 10% người Nga cho biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân là "có thể chấp nhận được" bất cứ lúc nào. 5% khác cho rằng, quyết định như vậy chỉ có thể thực hiện khi quân đội Nga đối mặt với nguy cơ thất bại trên chiến trường.

Hệ thống tên lửa liên lục địa Yars
Hệ thống tên lửa liên lục địa Yars trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường đỏ. - Ảnh: Bloomberg

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nam giới trung niên và lớn tuổi Nga dường như ủng hộ lựa chọn hạt nhân hơn.

Trong khi đó, những người có trình độ học vấn cao hơn và những người coi xung đột đang diễn ra là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an toàn cá nhân của họ - có xu hướng phản đối vũ khí hạt nhân.

Đa số người Nga được hỏi bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng Nga đang chiến đấu ở tiền tuyến. Theo cuộc khảo sát, 61% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng làm như vậy và gần 40% những người được hỏi cho biết họ từng ủng hộ tài chính cho quân đội Nga ít nhất một lần, thông qua các chương trình viện trợ và hỗ trợ khác nhau.

Còn gần 30% người được hỏi khác cho biết họ thu thập quần áo và các vật dụng hữu ích khác nhau cho binh sĩ Nga đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt.

Khảo sát trên được tiến hành sau khi nhà khoa học chính trị Sergey Karaganov nêu ra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong bài viết "Quyết định khó khăn nhưng cần thiết" đăng trên trang Global Affairs.

Karaganov là cựu cố vấn tổng thống của ông Boris Yeltsin và Vladimir Putin, hiện là chủ tịch Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại ở Moskva.

Ông Karaganov lập luận rằng, Nga có thể leo thang xung đột ở Ukraine bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ chống lại các nước châu Âu ủng hộ Ukraine.

Hành động này sẽ buộc Mỹ và các đồng minh của họ phải rút lui khỏi một cuộc xung đột lớn hơn với Nga từ đó ngăn chặn nguy cơ chiến tranh lan rộng ra khắp châu Âu, tồi tệ hơn là nó có thể trở thành ngòi nổ cho chiến tranh hạt nhân toàn cầu và Thế chiến thứ 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/6 nói rằng, không thể xem nhẹ nguy cơ Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, vài ngày sau khi Moskva triển khai loại vũ khí này ở Belarus.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được sử dụng để đạt lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì tàn phá trên diện rộng như đầu đạn hạt nhân chiến lược lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom cỡ lớn.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo.