8 tổng thanh tra liên bang kiện ông Trump vì quyết định sa thải gây tranh cãi

VOH - 8 tổng thanh tra liên bang Mỹ đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang ở Washington D.C, cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump sa thải họ một cách trái luật và yêu cầu được phục hồi chức vụ.

Theo đơn kiện, 8 tổng thanh tra bị sa thải thuộc các cơ quan trọng yếu như Bộ Quốc phòng, Bộ Cựu chiến binh, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động và Cơ quan Doanh nghiệp nhỏ. Họ khẳng định rằng việc sa thải này vi phạm Đạo luật Tổng thanh tra, vốn quy định rằng tổng thống Mỹ chỉ có thể cách chức tổng thanh tra sau khi thông báo với Quốc hội ít nhất 30 ngày và phải có lý do cụ thể.

"Những vụ sa thải này đã vi phạm các luật liên bang rõ ràng được ban hành nhằm bảo vệ các tổng thanh tra khỏi sự can thiệp chính trị khi họ thực hiện nhiệm vụ giám sát độc lập và phi đảng phái", đơn kiện nêu rõ.

Donald Trumps
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu - Ảnh: REUTERS

Các nguyên đơn yêu cầu tòa án tuyên bố họ vẫn đảm nhiệm hợp pháp chức vụ, đồng thời ngăn chặn chính quyền ông Trump cản trở nhiệm vụ giám sát của họ.

Theo Hãng tin Reuters, vụ kiện của 8 tổng thanh tra là một phần trong loạt hơn 40 vụ kiện chống lại các sắc lệnh hành pháp và quyết định của ông Trump từ khi ông trở lại Nhà Trắng.

Những tổng thanh tra này nằm trong số 18 quan chức giám sát liên bang nhận được thông báo sa thải qua email chỉ 4 ngày sau khi ông Trump nhậm chức. Thông báo chỉ dài hai câu, với lý do chung chung là "ưu tiên thay đổi".

Thượng nghị sĩ Mitt Romney, một trong những nhân vật có ảnh hưởng trong Đảng Cộng hòa, đã yêu cầu Nhà Trắng giải thích về hành động này. Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Dân chủ cáo buộc ông Trump tước bỏ các cơ quan giám sát độc lập, tạo điều kiện cho chính phủ vận hành thiếu minh bạch.

Vụ kiện lần này còn làm dấy lên lo ngại về cách tiếp cận của chính quyền ông Trump đối với các cơ quan giám sát tham nhũng liên bang.

Bên cạnh đó, tỷ phú Elon Musk, người được ông Trump chỉ định lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), cũng bị chỉ trích khi giải thể một số bộ phận chính phủ. Những động thái này được cho là nhằm tinh giản bộ máy, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền đang hạn chế khả năng giám sát và kiểm soát tham nhũng.

Với vụ kiện lần này, tòa án liên bang tại Washington D.C sẽ phải đưa ra phán quyết quan trọng, có thể tác động đến cách chính phủ Mỹ đối xử với các cơ quan giám sát độc lập trong tương lai.

 
Bình luận