Ngành sản xuất điện tử của Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi trong 6 năm qua, đạt 115 tỷ USD vào năm 2024, giúp nước này trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới.
Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, Apple dẫn đầu thị trường smartphone tại Ấn Độ vào năm 2024 với 23% tổng doanh thu, tiếp theo là Samsung với 22%.

Ấn Độ gỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với một số linh kiện smartphone. - Ảnh: Reuters.
Danh sách các linh kiện được miễn thuế bao gồm bảng mạch in lắp ráp (PCBA), linh kiện mô-đun camera và cáp USB, vốn trước đây chịu mức thuế 2,5%.
Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp Ấn Độ ứng phó tốt hơn với một năm đầy biến động của thương mại toàn cầu, do các mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi ông Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trên hết" nhằm đưa các nhà máy sản xuất quay trở lại Mỹ, Ấn Độ đang tìm cách tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để mở rộng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Reuters, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ từng cảnh báo rằng, nước này có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu smartphone nếu không hạ mức thuế để thu hút các tập đoàn quốc tế.
Trong kế hoạch ngân sách năm 2024, bà Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ, đã công bố kế hoạch rà soát cơ cấu thuế suất hải quan nhằm đơn giản hóa và hợp lý hóa mức thuế, giúp thương mại thuận lợi hơn.
Quá trình rà soát này cũng hướng đến việc loại bỏ tình trạng "nghịch lý thuế quan", khi thuế đối với nguyên liệu thô hoặc linh kiện trung gian cao hơn so với sản phẩm hoàn thiện.
Cấu trúc thuế phức tạp của Ấn Độ thường được coi là là rào cản đối với sản xuất trong nước và là nguyên nhân gây tranh chấp thương mại.