Kim Leadbeater, một nhà lập pháp của Đảng Lao động cầm quyền tại Anh, người đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu trao cho bà quyền trình dự luật về chủ đề do bà lựa chọn, đã xác nhận vào ngày 3/10 rằng, bà sẽ trình dự luật về trợ tử vào ngày 16/10.
"Tôi... tin tưởng mạnh mẽ rằng, chúng ta nên cho những người đang phải đối mặt với kết cục không thể chịu đựng nổi của cuộc đời mình một quyền lựa chọn về việc kết thúc cuộc đời đó như thế nào" - bà viết trên tờ báo The Guardian.
Luật này dự kiến sẽ cho phép những người cao tuổi có năng lực về mặt tinh thần, mắc bệnh nan y ở Anh và xứ Wales chỉ có thể sống trong khoảng 6 tháng hoặc ít hơn - được lựa chọn có nên kết thúc cuộc sống của mình hay không và cho phép các bác sĩ giúp họ.
Theo luật hiện hành, hành vi hỗ trợ tự tử có thể bị phạt tới 14 năm tù.
Thủ tướng Keir Starmer đầu năm nay đã hứa sẽ cho các nhà lập pháp bỏ phiếu tự do về vấn đề này, nghĩa là Đảng Lao động, đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 7, sẽ không hướng dẫn các thành viên của mình cách bỏ phiếu.
Các đảng khác cũng nói với các thành viên của mình rằng, họ có thể bỏ phiếu theo lương tâm của mình.
Một số nhà lập pháp từ tất cả các đảng lớn của Anh vẫn còn hoài nghi, đặc biệt là bày tỏ lo ngại rằng những bệnh nhân giai đoạn cuối dễ bị tổn thương và cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình có thể phải đối mặt với áp lực chấm dứt cuộc sống.
Những người đi cùng người thân chọn giải pháp an tử ở những nơi như Thụy Sĩ - nơi an tử được hợp pháp hóa từ năm 1942, hiện có thể bị truy tố ở Anh vì tội hỗ trợ tự tử.
Trong những năm gần đây, Úc, Canada, New Zealand và một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã hợp pháp hóa trợ tử trong một số trường hợp nhất định.