Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Vùng núi Quốc tế (ICIMOD), trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2020, các sông băng đang tan chảy nhanh hơn 65% so với thập kỷ trước.
"Nóng lên toàn cầu sẽ khiến băng tan chảy, đó là điều có thể đoán trước được. Nhưng điều bất ngờ và rất đáng lo ngại đó là tốc độ đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với chúng tôi dự kiến", tác giả chính của nghiên cứu, Philippus Wester cho biết.

Theo báo cáo, các sông băng ở khu vực Hindu Kush và Himalaya là nguồn cung cấp nước quan trọng cho khoảng 240 triệu người ở các vùng núi, cũng như 1,65 tỷ người khác ở các thung lũng bên dưới.
ICIMOD, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Nepal và các quốc gia thành viên gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và Pakistan, ước tính dựa trên lượng khí phát thải hiện nay, các sông băng có thể mất tới 80% thể tích hiện tại vào cuối thế kỷ này.
Các sông băng trên dãy Himalaya là nguồn cung cấp nước cho 10 lưu vực sông quan trọng nhất trên thế giới, bao gồm sông Hằng, sông Ấn, sông Hoàng Hà, sông MeKong và sông Ayeyarwaddy, đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp lương thực, năng lượng và thu nhập cho hàng tỷ người.
Phó giám đốc ICIMOD, Izabella Koziell cho biết rằng có đến 2 tỷ người ở châu Á phụ thuộc vào nước từ sông băng và tuyết. Hậu quả của việc mất đi khu vực đóng băng này là không thể tưởng tượng được.
Theo nghiên cứu, ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức 1,5°C đến 2°C so với mức tiền công nghiệp như đã được thỏa thuận trong Hiệp ước Khí hậu Paris, các sông băng dự kiến sẽ mất từ 1/3 đến một nửa thể tích vào năm 2100.
"Mỗi sự gia tăng nhỏ sẽ có tác động rất lớn và chúng tôi cần phải hành động ngay lập tức để giảm thiểu biến đổi khí hậu", Philippus Wester nói.