Kể từ năm ngoái, lượng mưa dưới mức trung bình - ngay cả trong mùa mưa - đã tác động tiêu cực đến vùng Amazon và phần lớn khu vực Nam Mỹ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua ở Brazil và Bolivia.
Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu chính là tác nhân chính của sự việc này, và vùng rừng Amazon có thể sẽ không thể phục hồi được hoàn toàn độ ẩm tự nhiên cho đến năm 2026.
Cũng trong năm ngoái, hạn hán đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, nhất là khi các tuyến đường thủy tê liệt khiến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và vận chuyển hàng hóa thiết yếu bị đình trệ. Người dân sống phụ thuộc vào các con sông trong vùng gần như bị cô lập trong tình thế không có thức ăn, nước uống và thuốc men y tế.
Năm nay, chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng báo động vì hạn hán. Tại bang Amazonas chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, có ít nhất 62 thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp với hơn nửa triệu người bị ảnh hưởng.
Mực nước tại cảng Manaus nằm trên con sông chính trong khu vực cũng xuống mức thấp nhất kể từ năm 1902 đến nay.
Ông Valmir Mendonca, người đứng đầu ban điều hành cảng, cho biết đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 120 năm qua tại cảng Manaus, và nhận định mực nước sông có khả năng sẽ tiếp tục giảm trong một hoặc hai tuần nữa.
Ngày 4/10, mực nước sông Rio Negro ở cảng Manaus đo được 12,66 m - thấp hơn mức kỷ lục năm ngoái và vẫn đang có xu hướng tiếp tục giảm mạnh. Rio Negro là nhánh chính của sông Amazon, con sông lớn nhất thế giới tính theo lưu lượng nước.
Một nhánh khác của sông Amazon là sông Madeira cũng chịu tác động nghiêm trọng do hạn hán. Các hoạt động vận chuyển, xuất khẩu ngũ cốc qua con sông này đều tạm dừng vì mực nước quá thấp.
Cơ quan giám sát thảm họa quốc gia Cemaden đã gọi đợt hạn hán này là sự kiện tồi tệ nhất ở Brazil kể từ những năm 1950.
Hạn hán cũng đã làm giảm công suất các nhà máy thủy điện, nguồn cung cấp điện chính của Brazil. Các cơ quan năng lượng đã phê duyệt áp dụng trở lại quy ước đổi giờ đồng hồ để tiết kiệm ánh sáng ban ngày (daylight saving time) nhằm mục tiêu tiết kiệm điện năng tiêu thụ, dù biện pháp này vẫn cần sự chấp thuận của tổng thống.
Ngoài Brazil, thời tiết khắc nghiệt và khô hạn cũng đang ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Nam Mỹ, trong đó mực nước sông Paraguay cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại. Đây là dòng sông bắt nguồn từ Brazil rồi chảy qua Paraguay, Argentina và cuối cùng đổ ra Đại Tây Dương.
Nhiệt độ tăng cao ở mức cực đoan và tình trạng khô hạn cũng góp phần gây ra các đám cháy dữ dội ở Amazon và vùng Pantanal lân cận - vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu không gian của Brazil, nước láng giềng Bolivia cũng đang trên đà phá kỷ lục về số vụ cháy lớn nhất từng được ghi nhận.