Chờ...

Các nước G7 có thể sẽ ủng hộ 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho thế giới

(VOH) - Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng các nước G7 sẽ nhất trí ủng hộ tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn, giúp cả thế giới hoàn thành việc tiêm chủng vào cuối năm sau.

Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra vào 3 ngày cuối tuần này tại Vịnh Carbis (Anh), Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson bày tỏ mong muốn G7 sẽ nhất trí mở rộng việc sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu  để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ.

Kỳ vọng vào G7

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đẩy nhanh tốc độ cuộc chiến chống Covid-19 bằng gói hỗ trợ 500 liều vắc-xin của hãng Pfizer, Thủ tướng Boris Johnson cũng tuyên bố nước Anh sẽ ủng hộ thêm vào gói này ít nhất 100 triệu liều vắc-xin đến các quốc gia nghèo khó hơn.

Thủ tướng Boris Johnson cũng kêu gọi các lãnh đạo G7 cùng hỗ trợ để hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả người dân trên toàn cầu vào cuối năm 2022, và hy vọng các nước G7 sẽ ủng hộ 1 tỷ liều vắc-xin vào chương trình COVAX - chương trình chia sẻ vắc-xin cho các nước có thu nhập trung bình và thấp do Liên Hiệp Quốc khởi xướng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng kế hoạch này của ông Johnson chỉ là “muối bỏ bể” khi hiện có đến gần 4 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào chương trình COVAX - theo thống kê của tổ chức Oxfam.

Oxfam là liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công. Oxfam làm việc trực tiếp với các cộng đồng và tìm cách để gây ảnh hưởng đến các cường quốc để đảm bảo rằng người nghèo có thể cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ và có một tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến họ.

Các nước G7 có thể sẽ ủng hộ 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho thế giới
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson hội đàm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 tổ chức tại Anh. Ảnh: Reuters

Nỗ lực toàn cầu

Cho đến nay, Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của gần 3,9 triệu người ở khắp nơi trên thế giới và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào chỗ vô cùng khó khăn. Đã có hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Công tác sản xuất và đưa vắc-xin ra thị trường đang được đẩy nhanh với tốc độ chóng mặt, và các nhà khoa học nhận định rằng dịch bệnh chỉ có thể kết thúc khi tất cả các nước trên thế giới hoàn thành việc tiêm chủng.

Theo thống kê thì ở Anh đã có 77% dân số được tiêm mũi đầu tiên của liệu trình vắc-xin Covid-19, trong khi ở Mỹ con số này là 64%.

Với tổng dân số toàn cầu là gần 8 tỷ người và hầu hết mọi người đều phải cần 2 liều vắc-xin, cộng thêm việc xuất hiện liên tục các biến thể virus mới, thì cam kết hỗ trợ của các nước G7 mới chỉ là khởi đầu và thực tế thì thế giới nếu muốn nhanh thoát khỏi dịch bệnh thì còn rất nhiều việc cần tiến hành với tốc độ phải được đẩy nhanh.

“Nếu lãnh đạo các nước G7 chỉ có thể ủng hộ 1 tỷ liều vắc-xin thì việc họp bàn về Covid-19 trong hội nghị thượng đỉnh coi như thất bại”, Giám đốc mảng chính sách y tế của tổ chức Oxfam Anna Marriott cho biết. Bà cho rằng thế giới sẽ phải cần đến 11 tỷ liều vắc-xin để kết thúc đại dịch.

Các nước G7 có thể sẽ ủng hộ 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 cho thế giới
Hiện có đến gần 4 tỷ người tại các nước đang phát triển phụ thuộc vào vắc-xin từ chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Oxfam cũng kêu gọi nhóm G7 ủng hộ việc bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19 vì tình hình cấp bách.

“Mạng sống của hàng triệu người tại các quốc gia đang phát triển không bao giờ nên phụ thuộc vào thiện chí của các nước giàu có hơn và những công ty dược phẩm vốn luôn ưu tiên vấn đề lợi nhuận”, bà Marriott nói.

Theo Thủ tướng Boris Johnson, trong số 100 triệu vắc xin mà Anh tài trợ, 80 triệu vắc xin sẽ được chuyển cho chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành, phần còn lại sẽ được chia sẻ song phương với các quốc gia có nhu cầu.

Theo đó, vắc xin mà Anh tài trợ sẽ được lấy từ nguồn dự trữ mà họ đã mua cho chương trình tiêm chủng trong nước và đến từ các nhà cung cấp Oxford-AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Janssen, Moderna và một số nhà cung cấp khác.

Đồng thời, Thủ tướng Johnson cũng lặp lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi kêu gọi các nhà lãnh đạo cam kết tương tự và để các công ty dược phẩm áp dụng mô hình của Oxford-AstraZeneca và cung cấp vắc xin với chi phí thấp trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.

Việc để các quốc gia nghèo hơn tự mình đối phó với đại dịch tiềm ẩn nguy cơ tạo điều kiện xuất hiện thêm nhiều chủng virus đột biến hơn và làm vắc-xin trở nên kém hiệu quả. Các tổ chức từ thiện cũng cho biết sẽ cần hỗ trợ hậu cần để giúp quản lý số lượng lớn vắc xin ở các nước nghèo hơn.