Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cảng du lịch Hy Lạp bị phủ trắng bởi hàng trăm nghìn con cá chết

HY LẠP - Các nhà chức trách ở Volos cho biết, khu vực bị ảnh hưởng trải dài hàng km và có thể gây ra thảm họa môi trường cho các loài khác.

Chính quyền Hy Lạp đã bắt đầu thu thập hàng trăm nghìn con cá chết tràn vào một cảng du lịch ở thành phố Volos, miền trung Hy Lạp trong tuần này.

Xác cá nổi tạo thành một ‘tấm chăn bạc’ phủ khắp cảng và mùi hôi thối khiến người dân và chính quyền lo ngại. Họ vội vã đến vớt cá chết trước khi mùi hôi lan đến các nhà hàng và khách sạn gần đó.

ca-chet-290824

Hàng tấn cá chết đã trôi dạt vào cảng Volos, Hy Lạp - Ảnh: Reuters

Thành viên hội đồng thành phố Stelios Limnios nói với Reuters: "Nó trải dài hàng km, không chỉ dọc theo bờ biển mà còn ở trung tâm Vịnh Pagasetic" – ông ám chỉ khu vực ngoài khơi Volos có bờ biển được bao quanh bởi những ngôi nhà nghỉ dưỡng.

Vào ngày 28/8, các tàu đánh cá đã kéo lưới để thu thập cá sau đó đổ vào thùng xe tải. Hơn 40 tấn đã được thu thập trong 24 giờ qua, các nhà chức trách cho biết.

Thị trưởng Volos Achilleas Beos cho biết, mùi hôi thối không thể chịu nổi. Ông đổ lỗi cho chính phủ vì đã không giải quyết vấn đề trước khi nó lan đến thành phố của ông.

Ông cho biết cá thối rữa có thể gây ra thảm họa môi trường cho các loài khác trong khu vực.

ca-chet-290824-1

Một công nhân vận hành cần cẩu di động để loại bỏ cá chết trôi nổi trên sông Xiria gần Volos - Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia cho biết, vấn đề đang xảy ra là do lũ lụt lịch sử năm ngoái đã nhấn chìm Thessaly ở phía bắc xa hơn. Lũ lụt làm đầy lại một hồ nước đã được rút cạn vào năm 1962 nhằm chống lại bệnh sốt rét, làm hồ nước này phình to gấp ba lần bình thường.

Kể từ đó tới nay, mực nước hồ rút đi đáng kể, buộc cá nước ngọt phải di chuyển về phía cảng Volos đổ vào Vịnh Pagasetic và Biển Aegean, nơi chúng không thể sống sót.

Các chuyên gia cho biết, không có tấm lưới nào được đặt ở cửa sông dẫn vào Volos. Khi cá gặp biển, nước mặn có thể đã giết chết chúng.

Thảm họa này là tác động mới nhất của thời tiết khắc nghiệt ở Hy Lạp mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ cao hơn và lượng mưa thất thường gây ra cháy rừng và lũ lụt.

Bình luận