Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, nhóm chuyên gia từ Đại học British Columbia (Canada) cảnh báo rằng nguy cơ này đang ngày càng gia tăng với hậu quả tiềm tàng không thể lường trước.
Nhóm nghiên cứu đã lập mô hình đường bay của các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Trái Đất và so sánh với dữ liệu bay toàn cầu. Kết quả cho thấy rằng khi số lượng vệ tinh và tên lửa trên quỹ đạo ngày càng tăng, rủi ro va chạm với máy bay cũng ngày một cao.
Hiện nay, có hơn 2.300 mảnh tên lửa đang bay quanh Trái Đất, và cuối cùng tất cả sẽ quay trở lại khí quyển mà không được kiểm soát.
Mặc dù hầu hết vật thể này sẽ bốc cháy trong khí quyển, một số mảnh lớn hoặc có cấu trúc đặc biệt có thể tồn tại và gây nguy hiểm.

Nghiên cứu cho thấy các khu vực có mật độ dân cư cao, đặc biệt là các sân bay lớn, có 0,8% khả năng bị ảnh hưởng bởi các vật thể hồi quyển mỗi năm.
Tỷ lệ này tăng lên đến 26% đối với những không phận rộng nhưng có lưu lượng hàng không dày đặc, như Đông Bắc Mỹ, Bắc Âu hay các thành phố lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Dù nguy cơ xảy ra va chạm vẫn còn thấp – Aerospace Corporation ước tính xác suất là 1/100.000 vào năm 2021 – nhưng hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng.
Một mảnh vỡ nhỏ chỉ nặng 1 gram có thể gây hư hỏng kính chắn gió hoặc động cơ máy bay, làm ảnh hưởng đến an toàn của hành khách và phi hành đoàn.
Ngoài ra, do khó khăn trong việc dự đoán chính xác vị trí rơi của các mảnh vỡ, các cơ quan hàng không có thể phải đóng cửa không phận như một biện pháp phòng ngừa. Điều này sẽ dẫn đến việc làm gián đoạn các chuyến bay, gây tắc nghẽn các tuyến đường hàng không khác và gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần có các biện pháp kiểm soát sự hồi quyển của các tên lửa và vệ tinh. Hiện tại, chỉ có dưới 35% các vụ phóng sử dụng công nghệ giúp kiểm soát quá trình này, để lại phần lớn gánh nặng an toàn cho ngành hàng không.
Một ví dụ về tác động của rác vũ trụ là vụ hồi quyển không kiểm soát của tên lửa Trường Chinh 5B vào năm 2022. Dù cuối cùng mảnh vỡ rơi xuống đại dương, nhưng nó đã làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng không và nhu cầu có giải pháp tốt hơn để kiểm soát tình trạng này.
Những biện pháp tiềm năng để giảm nguy cơ va chạm giữa máy bay và rác vũ trụ bao gồm thiết lập quy trình hồi quyển có kiểm soát, đảm bảo các tên lửa và vệ tinh rơi xuống những khu vực an toàn như đại dương thay vì các vùng đông dân cư.
Đồng thời, cần tăng cường theo dõi và lập biểu đồ đường đi của các mảnh vỡ, giúp đưa ra cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý trước khi vật thể rơi xuống Trái Đất.
Ngoài ra, chính phủ và các tổ chức hàng không quốc tế có thể yêu cầu các công ty phóng vệ tinh chịu trách nhiệm tài chính và kỹ thuật đối với việc kiểm soát rác vũ trụ mà họ tạo ra, đảm bảo rằng các vụ phóng mới không làm trầm trọng thêm vấn đề này.