Quyết định này khiến nhiều lãnh đạo châu Âu bất ngờ và lo ngại về tương lai an ninh khu vực.
Trong phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg tuyên bố châu Âu sẽ không có mặt trong cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ, Nga và Ukraine.

“Nó giống như phấn viết trên bảng đen, có thể hơi khó chịu một chút, nhưng tôi đang nói với bạn điều thực tế. Với những người bạn ở châu Âu của tôi, tôi muốn nói rằng họ nên tham gia vào cuộc tranh luận bằng cách đưa ra các đề xuất, không phải phàn nàn về việc có hay không có mặt tại bàn đàm phán", ông Kellogg nhấn mạnh.
Theo ông, các nỗ lực hòa bình trước đây thất bại vì có quá nhiều bên tham gia nhưng không đủ khả năng thúc đẩy một thỏa thuận thực sự. “Chúng tôi sẽ không đi theo con đường đó,” ông nói.
Phát biểu này lập tức gây hoang mang và bất bình cho các lãnh đạo châu Âu. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời nhiều lãnh đạo châu Âu đến Paris vào ngày 16-2 để thảo luận về tình hình hiện tại.
Châu Âu cho rằng việc loại họ khỏi bàn đàm phán là một động thái nguy hiểm, làm suy yếu an ninh khu vực. "Chúng tôi không thể ngồi ngoài và để số phận của Ukraine cũng như an ninh châu Âu được quyết định mà không có chúng tôi", một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tỏ ra lo ngại về việc châu Âu bị gạt ra khỏi đàm phán. Ông kêu gọi EU thành lập một lực lượng quân sự riêng để đảm bảo an ninh cho khu vực, trong đó Ukraine sẽ đóng vai trò trung tâm.
Bên cạnh đó, ông Zelensky nhiều lần nhấn mạnh Ukraine phải có mặt trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào và phản đối bất kỳ thỏa thuận nào được thực hiện mà không có sự tham gia của Kyiv.
Trong một diễn biến khác, theo hãng tin Reuters, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đề nghị với Mỹ rằng họ muốn đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Hiện chưa rõ phản ứng của Nga, Mỹ và Ukraine đối với đề xuất này. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều quốc gia quan tâm đến tiến trình hòa bình cho thấy cuộc xung đột tại Ukraine đã trở thành một vấn đề toàn cầu.
Việc Mỹ loại châu Âu khỏi bàn đàm phán khiến EU rơi vào tình thế khó xử. Họ vừa muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, vừa muốn có tiếng nói trong việc quyết định tương lai Ukraine.
Dù hiện tại chưa có thông báo chính thức từ Tổng thống Donald Trump, nhưng nếu châu Âu tiếp tục bị gạt ra ngoài, khả năng họ sẽ tìm cách tạo sức ép ngoại giao để đòi lại vị thế trong tiến trình hòa bình.