Theo email thông báo của USAID gửi đến nhân viên vào đêm 23/2, tất cả nhân viên trực tiếp của USAID, trừ những người được giao nhiệm vụ đảm bảo các chức năng thiết yếu, lãnh đạo chủ chốt và/hoặc các chương trình đặc biệt, sẽ được cho nghỉ phép hành chính trên phạm vi toàn cầu.
Thông báo cũng nêu rõ, quyết định này có hiệu lực từ 23h59 ngày 23/2. Đồng thời, USAID bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm nhân sự, ảnh hưởng đến 1.600 nhân viên đang làm việc tại Mỹ.
Đây là một trong những động thái đáng chú ý, đánh dấu sự cắt giảm lớn trong cơ quan liên bang chuyên cung cấp hỗ trợ nhân đạo trên toàn cầu.

Trước đó vào ngày 21/2, thẩm phán liên bang Christopher Cooper tại Washington đã bác đơn khiếu nại của các công đoàn liên bang, từ chối can thiệp vào kế hoạch của chính quyền Donald Trump sa thải hàng loạt nhân viên của USAID và hàng ngàn nhân viên chính phủ khác.
Ông Pete Marocco, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm để điều hành USAID, cho biết cơ quan này sẽ giữ lại khoảng 600 nhân viên, chủ yếu làm việc tại Mỹ, để đảm bảo tổ chức hồi hương cho nhân viên USAID cùng gia đình họ từ nước ngoài trở về.
Hai cựu quan chức cấp cao của USAID ước tính rằng phần lớn trong số khoảng 4.600 nhân viên của USAID, Cơ quan Dân sự Mỹ và Bộ Ngoại giao sẽ bị cho nghỉ phép hành chính trong thời gian tới.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tạm dừng viện trợ của Mỹ đối với nước ngoài trong 90 ngày, đình chỉ tài trợ cho mọi chương trình - từ chống nạn đói, điều trị các bệnh nguy hiểm đến cung cấp nơi trú ẩn cho hàng triệu người phải di dời trên toàn cầu.
Một số chương trình ngoại lệ vẫn được áp dụng là khoản tiền dành cho các chương trình an ninh và chống ma túy và một số khoản cứu trợ nhân đạo hạn chế khác.
Tuy nhiên, theo danh sách ngoại lệ này thì các chương trình của USAID chỉ nhận được chưa đến 100 triệu USD – con số cực kỳ nhỏ so với khoảng 40 tỷ USD mà USAID quản lý hàng năm trước khi lệnh đóng băng tài trợ có hiệu lực.
"Cả chính quyền này và Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio đã thiển cận khi cắt giảm chuyên môn và năng lực ứng phó khủng hoảng đặc biệt của Mỹ. Khi dịch bệnh bùng phát hoặc người dân buộc phải di dời trong các tình huống khẩn cấp, chính những chuyên gia của USAID sẽ là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, được triển khai để ổn định tình hình và cung cấp viện trợ”, cựu quan chức cấp cao của USAID Marcia Wong nhận định.