Báo cáo có tựa đề “Liên minh Mỹ-Nhật năm 2024: Hướng tới một liên minh tích hợp”, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đứng sau, đã nhấn mạnh sự cần thiết của liên kết giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối, đặc biệt trước sự tiến bộ nhanh chóng của Nhật Bản về năng lực phòng thủ, nhất là phản công tầm xa. Báo cáo còn đề cập đến việc thiết lập cơ cấu đối thoại 3 bên ở cấp chiến lược, sau hội nghị thượng đỉnh tại Trại David vào tháng 8/2023.
Báo cáo có đoạn: “Các đồng minh bây giờ, nên tiến tới kết nối chính thức ở cấp độ tác chiến, thông qua trao đổi sĩ quan liên lạc ở bộ chỉ huy, đưa quan sát viên vào tập trận song phương và thành lập đơn vị lập kế hoạch dự phòng ba bên. Để hỗ trợ những thay đổi này, Nhật Bản và Hàn Quốc nên hành động có mục đích và kịp thời, nhằm bình thường hóa quan hệ quốc phòng song phương, thông qua tuyên bố an ninh chung lần đầu tiên.”
Báo cáo trích dẫn Tuyên bố chung Nhật Bản-Úc về hợp tác an ninh năm 2007, làm khuôn mẫu để Hàn Quốc và Nhật Bản noi theo.
Tuyên bố năm 2007, được gia hạn năm 2022, ban đầu vạch ra nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau, trong cả an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Những sáng kiến này gồm một loạt lĩnh vực hợp tác, như giải trừ vũ khí, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo đảm an toàn các tuyến hàng hải, cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Báo cáo do cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Richard Armitage và Giáo sư danh dự Harvard Joseph Nye chủ trì, có sự tham gia của 8 nhà nghiên cứu khác, ví dụ Phó Chủ tịch cấp cao CSIS về Châu Á và Hàn Quốc, Victor Cha; Phó Chủ tịch CSIS, Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á Wendy Cutler.
Báo cáo nhấn mạnh, liên minh Mỹ-Nhật nên xem xét mở rộng G7 để bao gồm Úc và Hàn Quốc, hai nền dân chủ tiên tiến trên thế giới, và một số đối tác đang ngày càng quan trọng về chính trị và kinh tế toàn cầu.
Nhóm G7 hiện bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản.
Theo báo cáo, G7 ngày càng trở nên quan trọng với tư cách là diễn đàn quốc tế duy trì trật tự dựa trên luật lệ, hỗ trợ Ukraine và chống lại sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc.
G7 được mô tả là thể chế quản trị toàn cầu hiệu quả nhất, nên kết hợp thêm đối tác cùng chí hướng khác, những người chia sẻ các giá trị và sở hữu nguồn lực cần thiết, để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Báo cáo viết: “Trước những thách thức mà môi trường quốc tế ngày nay phải đối mặt, đã đến lúc đưa thêm tiếng nói có trọng lượng và quan điểm phù hợp vào bàn đàm phán.”