Tiêu điểm: Nhân Humanity

Có tín hiệu cải cách nào dưới thời Tổng thống mới của Iran?

VOH - Từ khi vụ ám sát ông Ismail Haniyeh tại Tehran đến nay, Iran chưa có bất kỳ trả đũa nào nhắm vào Israel hoặc Hoa Kỳ. Theo tờ AAWSAT NEWS, đây là 1 tin tốt cho an ninh ổn định ở khu vực.

Ngoài ra cũng có 1 tin khác từ Iran, tân Tổng thống Masud Pezeshkian có thể không phải là nhà cải cách nhiều người mong đợi. 

c_Iran_TT
Tân Tổng thống Masud Pezeshkian theo đường lối ôn hòa của Iran - Ảnh: CNN

Nội các mới của Tổng thống Pezeshkian có 18 nam và 1 phụ nữ.

Theo 1 số nguồn tin, danh sách nội các ban đầu trình lên, chỉ có 3 người được lãnh tụ tối cao Ali Khamenei chấp nhận. Nhiều nhân vật cải cách, như cựu bộ trưởng ngoại giao Muhammad Javad Zarif đã buộc phải từ chức.

Giới chuyên gia ở Trung Đông dự đoán, tân Tổng thống sẽ khó bức phá, thay vào đó sẽ tiếp tục xuất khẩu cách mạng Hồi giáo, thông qua các nhóm ủy nhiệm.

Nội các mới chủ yếu gồm những bộ trưởng liên quan tới lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) theo đường lối cứng rắn.

Câu hỏi đặt ra, Tổng thống Pezeshkian sẽ có chính sách gì nổi bật trong 4 năm tới? Liệu ông có bước vào vết xe của người tiền nhiệm Ibrahim Raisi?

Trong 1.000 ngày làm Tổng thống, ông Raisi bị nhiều nhà phân tích tại Trung Đông chê là cái bóng của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Ông không hề có bất kỳ sáng kiến nào tạo dấu ấn riêng mình.

Dẫu vậy 1 số ý kiến cho rằng, trong chế độ thần quyền ở Iran, Tổng thống không có vai trò quan trọng. Rất khác so với nền cộng hòa nghị viện ở phương Tây. Ông Raisi đã thể hiện sự khéo léo trong môi trường chính trị phức tạp.

Ông Raisi đi đến tất cả 31 tỉnh của đất nước. Có những nơi nhiều hơn 1 lần. Ông cũng tới hàng chục quốc gia. Điều này trái ngược với hình ảnh của lãnh tụ Khamenei, khi chỉ ở yên 1 chỗ tại thủ đô Tehran.

Ông Raisi phần nào tạo nên hình ảnh 1 lãnh đạo năng động, liên tục khởi công dự án mới và không khoa trương.

Phong cách này mang đến sự lạc quan vào nền chính trị vốn u ám sâu sắc. Bên cạnh đó, dưới thời ông Raisi nước Mỹ đã nới lỏng 1 số lệnh cấm vận dầu mỏ với Iran, giúp nước cộng hòa Hồi giáo tăng gấp đôi doanh thu.

Liệu ông Pezeshkian có thể học được gì, từ những mặt tích cực của người tiền nhiệm Raisi hay không?

Đây là điều nhiều người có xu hướng cải cách muốn thấy. Họ tin rằng, giờ không phải lúc Iran có bước đi táo bạo, sẽ rất nguy hiểm một phần do lãnh tụ Khamenei đang tìm người kết nhiệm. Do vậy, cuộc cạnh tranh quyền lực ngày càng khốc liệt. Các bước đi thận trọng, nên là phương án cân nhắc.

Từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 nổ ra tới nay, kinh tế Iran gần như phụ thuộc vào dầu mỏ.

Dưới thời ông Raisi, sự bất mãn của người dân về tình hình kinh tế ảm đạm, cũng như các luật Hồi giáo khắt khe đã liên tục tăng cao, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình.

Hiện nay, ngọn lửa bất đồng vẫn âm ỉ, có nguy cơ bùng phát trở lại. Ví dụ nhiều cuộc đình công đã diễn ra gần đây, bao gồm cả của y tá. Căng thẳng cũng gia tăng tại không ít trường đại học.

Có tin, thành phần cấp tiến trong bộ máy quân đội – an ninh ngày càng tích tụ nhiều bất đồng. Họ không ủng hộ phe bảo thủ trong quân đội, can thiệp quá nhiều vào các chính sách kinh tế lẫn đối ngoại.

Kinh tế ảm đạm, cũng kéo theo nạn chảy máu chất xám. Theo 1 số ước tính, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 người Iran rời bỏ đất nước. Ngược lại, dòng người tị nạn trốn chạy Taliban từ Afghanistan liên tục đổ về.

Với tất cả đặc điểm trên, không ít ý kiến nghi ngờ khả năng cải cách và giải quyết tình hình của tân Tổng thống Iran. Vấn đề có thể tồi tệ hơn, nếu ông Donald Trump chiến thắng ở Hoa Kỳ vào tháng 11 tới.

Bình luận