Chiều 4/10, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Hóa học năm 2023 thuộc về ba nhà khoa học là Moungi G. Bawendi (người Mỹ gốc Pháp), Louis E. Brus (người Mỹ) và Alexei I. Ekimov (người Nga) với công trình "khám phá và tổng hợp ra các chấm lượng tử" - một dạng tinh thể nano đột phá.
Những hạt nano siêu nhỏ này có những đặc tính độc đáo, ứng dụng chiếu sáng màn hình máy tính và màn hình ti vi dựa trên công nghệ QLED. Chúng cũng tạo thêm sắc thái cho ánh sáng của một số đèn LED. Chấm lượng tử còn là chất xúc tác các phản ứng hóa học và ánh sáng rõ ràng của chúng có thể giúp lập bản đồ mô sinh học ứng dụng trong giải phẫu học.
“Trong một thời gian dài, không ai nghĩ rằng con người có thể thực sự tạo ra được những hạt nhỏ như vậy. Nhưng những nhà khoa học này đã thành công” - ông Johan Aqvist, chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học, nói.
Nhà khoa học Moungi G. Bawendi hiện công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Nhà khoa học Louis E. Brus công tác tại Đại học Columbia (Mỹ). Trong khi đó, nhà khoa học Alexey I. Ekimov làm việc tại tập đoàn Nanocrystals Technology (Mỹ).
Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu hôm 2/10 với giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực y sinh (giải Nobel Y Sinh) cho nữ giáo sư Katalin Kariko (người Mỹ gốc Hungary) và nhà khoa học Drew Weissman (người Mỹ) với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Giải Nobel Vật lý được công bố hôm 3/10 thuộc về ba nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L'Huillier với các thí nghiệm "trao cho nhân loại những công cụ mới để khám phá thế giới điện tử bên trong nguyên tử và phân tử".
Dự kiến các giải Nobel còn lại của năm 2023 bao gồm Nobel Văn học, Hòa bình và Kinh tế sẽ lần lượt được công bố vào các ngày 5, 6 và 9/10.
Mỗi giải thưởng trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 990.000 USD) sẽ được trao cùng bằng chứng nhận và huy chương, dự kiến vào ngày 10/12, tức ngày mất của nhà sáng lập giải thưởng Alfred Nobel.