Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử của Singapore sau 20 năm

VOH - Ngày 15/5 đánh dấu cột mốc tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên thệ nhậm chức, trở thành lãnh đạo thứ tư của đảo quốc này sau kể từ khi hoàn toàn độc lập cách đây 60 năm.

Lễ tuyên thệ của ông Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) sẽ diễn ra vào chiều tối 15/5. Việc ông Wong chính thức trở thành Thủ tướng mới của Singapore cũng đánh dấu hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực được tiến hành cẩn trọng tại đảo quốc sư tử, sau nhiệm kỳ kéo dài 20 năm của Thủ tướng Lee Hsien Long (Lý Hiển Long).

Ông Wong, 51 tuổi, thuộc nhóm các lãnh đạo “4G” - tức thế hệ lãnh đạo thứ tư do đảng cầm quyền Nhân dân Hành Đông (PAP) bầu chọn để nắm quyền điều hành Singapore - đảo quốc nhỏ bé nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là trung tâm tài chính và vận tải hàng hóa của khu vực và trên thế giới. 

Các nhân vật tiền nhiệm của ông Wong là cố Thủ tướng Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) - người có đóng góp to lớn giúp vực dậy một Singapore yếu ớt thuở mới độc lập trở thành đảo quốc phát triển giàu mạnh như ngày nay, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) và cựu Thủ tướng Lý Hiển Long - con trai của ông Lý Quang Diệu. 

lawrence-wong

Ông Lawrence Wong thời còn là phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Singapore, trong một hội nghị Bộ trưởng G20 tổ chức ở Bali, Indonesia năm 2022 - Ảnh: Reuters

Chân dung tân Thủ tướng Singapore

Khác với người tiền nhiệm và những đồng nghiệp khác trong đảng PAP, ông Wong xuất thân từ gia đình cơ bản với cha là nhân viên kinh doanh gốc Hoa, còn mẹ là giáo viên tiểu học. 

Theo The Straits Times, từ nhỏ, ông Wong là một học sinh cá tính khi bỏ qua cơ hội học ở những trường tinh hoa để được học gần nhà và bạn bè. Sau khi hoàn thành chương trình học quê nhà, ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ kinh tế ở Mỹ và bằng thạc sĩ hành chính công tại ĐH Harvard danh giá. 

Ông Wong bắt đầu sự nghiệp với vai trò là chuyên gia kinh tế trong Bộ Công thương Singapore. Năm 2011, ông Wong tham gia chính trường và được bầu làm thành viên Quốc hội. Ông được trao chức vụ chính trị đầu tiên 2 tuần sau cuộc bầu cử, với tư cách là Bộ trưởng Giáo dục và Quốc phòng.

Sau khi nắm giữ nhiều vị trí ở nhiều bộ khác nhau, ông Wong được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên vào năm 2012 rồi được bổ nhiệm làm bộ trưởng chính thức 2 năm sau đó.

Năm 2020, ông Wong được giao nhiệm vụ đồng chủ trì ban liên ngành đặc nhiệm chống đại dịch Covid-19 Singapore cùng với Bộ trưởng Y tế lúc đó là ông Gan Kim Yong.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng chính phong cách lãnh đạo kiên định trong thời kỳ đại dịch Covid-19, sự giải thích rõ ràng về các chính sách và khả năng nắm bắt chi tiết đã giúp ông Wong trở thành ứng viên thủ tướng tiềm tàng. 

Thực tế, tiến trình chuyển giao quyền lực tại Singapore đã được tiến hành từ lâu, theo kế hoạch sẽ diễn ra trước khi cựu Thủ tướng Lee Hsien Long 70 tuổi nhưng bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 và người kế nhiệm ban đầu bất ngờ rút lui vào năm 2021. 

Tân lãnh đạo Lawrence Wong cho biết kể từ khi được giao trọng trách lèo lái đất nước, ông đã “ý thức trách nhiệm sâu sắc” đối với quê hương và 5,9 triệu người dân trong nước. 

Trong video đăng tải trên mạng xã hội, ông Wong tuyên bố: “Tôi sẽ cống hiến mọi sức lực của mình để phục vụ đất nước và nhân dân.” 

Lee-Hsien-Long-Lawrence-Wong

Ông Lawrence Wong (phải) và ông Lee Hsien Long tại cuộc họp báo thông báo kế nhiệm Thủ tướng - Ảnh: Reuters

Vì nền chính trị ổn định 

Hôm 13/5, ông Wong cũng đã công bố nội các mới không có nhiều sự thay đổi do ưu tiên tính tiếp nối và ổn định cho phần còn lại của nhiệm kỳ. Ông cam kết sẽ tiến hành cải tổ lớn hơn sau cuộc bầu cử vào năm 2025. 

Theo đó, ông Wong sẽ vừa giữ chức Thủ tướng vừa kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính. Ông Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) tiếp tục là phó Thủ tướng; và có thêm một phó Thủ tướng nữa là Bộ trưởng Công thương Gan Kim Yong (Nhan Kim Dũng). Theo tân Thủ tướng Lawrence Wong, trong giai đoạn ban đầu của cuộc chuyển giao thì “việc có hai bộ trưởng với nhiều kinh nghiệm làm cấp phó là điều hữu ích".

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Lee Hsien Long sẽ tiếp tục ở lại nội các với tư cách Bộ trưởng cấp cao như các đời Thủ tướng trước. Ông Lee cho biết với cương vị Bộ trưởng cấp cao, ông sẽ tận dụng mối quan hệ, kinh nghiệm và góc nhìn của mình để giúp người kế nhiệm thành công, tuy nhiên lưu ý ông Wong mới là người ra quyết định và "dẫn dắt theo cách riêng". 

Ông Lee hôm 13/5 cũng đã gửi thư cho Tổng thống Tharman Shanmugaratnam để thông báo về việc từ chức. Tổng thống Tharman đã gửi lời cảm ơn ông Lee vì 40 năm "phục vụ quên mình trong chính phủ", trong đó có 20 năm ở cương vi Thủ tướng - theo The Straits Times. 

Theo Tổng thống Tharman, ông Lee đã thúc đẩy một nền kinh tế sôi động và đa dạng hơn trong thời gian nắm quyền, mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân, củng cố mạng lưới an sinh xã hội, đưa đất nước phát triển theo con đường hướng tới sự bền vững. 

Bình luận