Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Đại dịch” cô đơn lan rộng

VOH - “Đại dịch” cô đơn đang lan rộng tại Hàn Quốc, khi 70% người dân thừa nhận thường xuyên cảm thấy cô đơn.

Đặc biệt, 340.000 người trẻ tại đất nước này đang sống trong tình trạng cô lập, gây thiệt hại xã hội lên tới 7.500 tỉ won (5,4 tỉ USD) mỗi năm. Đây không chỉ là vấn đề của cá nhân mà đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với cộng đồng và chính quyền.

Khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc chỉ ra rằng tại Seoul, 1/4 số người cao tuổi sống một mình. Tình trạng "cái chết cô đơn" – người già qua đời mà không có ai bên cạnh – đã tăng lên 3.661 trường hợp trong năm 2023. Văn hóa cạnh tranh và áp lực thành tích tại Hàn Quốc càng làm vấn đề thêm trầm trọng, với nhiều người trẻ rơi vào tình trạng “hikikomori” (ẩn dật xã hội).

Nguoi dan ong di bo
Một người đàn ông đi bộ trên vỉa hè ở Seoul - Ảnh: AFP

Nhằm đối phó với vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai dự án Diễn ngôn văn hóa, đầu tư 451,3 tỉ won (gần 330 triệu USD) trong 5 năm tới để chống lại sự cô lập và khôi phục kết nối xã hội. Thị trưởng Seoul, Oh Se Hoon, cũng công bố kế hoạch biến Seoul thành "thành phố không cô đơn". Các sáng kiến bao gồm tổng đài tư vấn 24/7, dịch vụ tư vấn AI, trung tâm hỗ trợ cộng đồng và các chương trình giao lưu, kết nối xã hội.

Tuy nhiên, “đại dịch” cô đơn không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Tại Anh, tổ chức từ thiện Age UK sử dụng bản đồ nhiệt để xác định khu vực có tỷ lệ cô đơn cao, từ đó tập trung nguồn lực hỗ trợ. Zimbabwe triển khai chương trình “Băng ghế tình bạn”, nơi mọi người có thể nhận tư vấn tâm lý miễn phí, giúp 60% người tham gia cải thiện chất lượng cuộc sống và 80% giảm ý định tự tử.

Phương pháp “kê đơn thuốc xã hội”, được áp dụng tại 24 quốc gia, kết nối bệnh nhân với các hoạt động như nghệ thuật, thể dục, và ngoài trời để cải thiện sức khỏe tinh thần. Ở Nhật Bản, dịch vụ tư vấn trực tuyến Ibasho Chat cung cấp hỗ trợ ẩn danh, trong khi Úc phát triển sáng kiến Men’s Sheds, nơi những người đàn ông nghỉ hưu có thể sáng tạo sản phẩm thủ công và duy trì kết nối xã hội.

Song song, nhiều chính phủ đã ban hành chính sách để đối phó với cô đơn. Anh triển khai chiến lược “Một xã hội kết nối” vào năm 2018, Nhật Bản thông qua luật thúc đẩy biện pháp chống cô đơn, và Đan Mạch giới thiệu chiến lược quốc gia với 75 hành động liên ngành.

Từ Hàn Quốc đến toàn cầu, cô đơn không còn là vấn đề của riêng ai. Những sáng kiến và chiến lược đa dạng trên thế giới không chỉ nhằm giảm bớt nỗi cô đơn, mà còn góp phần xây dựng những cộng đồng gắn kết hơn, tạo nền tảng cho sức khỏe tinh thần bền vững.

 
Bình luận