Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã đảo ngược xu hướng tăng đều đặn về tuổi thọ khi sinh và tuổi thọ khỏe mạnh khi sinh”.
Theo một nghiên cứu thống kê y tế thế giới hàng năm của WHO, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 tuổi xuống còn 71,4 tuổi, ngang bằng với năm 2012.
Nghiên cứu cho biết, khoảng thời gian mà một người bình thường có thể mong đợi để sống với sức khỏe tốt đã giảm 1,5 năm xuống còn 61,9 năm vào năm 2021 – cũng là mức của năm 2012.
Tác động này thậm chí còn tồi tệ hơn những phát hiện của một nghiên cứu được Lancet công bố vào tháng 1/2024, trong đó cho biết, tuổi thọ trung bình đã giảm 1,6 năm trong thời kỳ đại dịch.
Các nhà nghiên cứu cho biết Covid-19 có “tác động sâu sắc hơn” đến tuổi thọ hơn bất kỳ sự kiện nào khác trong nửa thế kỷ qua.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các số liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định an ninh đại dịch toàn cầu đang được đàm phán tại Geneva “nhằm tăng cường an ninh y tế toàn cầu nhưng cũng để bảo vệ các khoản đầu tư dài hạn vào y tế và thúc đẩy công bằng trong và giữa các quốc gia”.
Các nhà nghiên cứu của Lancet ước tính, Covid-19 đã gây ra hơn 15,9 triệu ca tử vong trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021, do virus hoặc do sự gián đoạn đối với hệ thống y tế liên quan đến đại dịch.
Nhưng nghiên cứu của WHO cho biết, tuổi thọ không giảm theo cách tương tự trên khắp thế giới.
Châu Mỹ và Đông Nam Á là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tuổi thọ trung bình giảm khoảng 3 năm. Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng ít nhất với tuổi thọ trung bình giảm chỉ 0,1 năm.